Không đóng Đảng phí, Đảng viên bị xử lý thế nào?
Không đóng Đảng phí, Đảng viên bị xử lý thế nào?
Đóng Đảng phí là một trong những nghĩa vụ mà một người Đảng viên phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay không thiếu trường hợp Đảng viên không đóng Đảng phí. Vậy khi đó, Đảng viên bị xử lý thế nào?
Đảng viên bị xóa tên khi không đóng Đảng phí?
Điều 2 Điều lệ Đảng khẳng định, bên cạnh việc tuyệt đối trung thành với Đảng, phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng, không ngừng học tập, rèn luyện… Đảng viên còn có nhiệm vụ sinh hoạt Đảng và đóng Đảng phí đúng quy định.
Trong đó, việc thu, nộp Đảng phí do chi bộ thực hiện. Nếu Đảng viên sinh hoạt Đảng tạm thời thì đóng Đảng phí ở chi bộ nơi sinh hoạt Đảng tạm thời đó (Căn cứ tiết c điểm 6.3.2 khoản 6.3 Điều 6 Quy định 29-QĐ/TW).
Bởi vậy, khi Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng Đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách Đảng viên (theo Điều 8 Điều lệ Đảng).
Đây cũng được quy định tại khoản 8.1 Điều 8 Quy định 29 năm 2016. Cụ thể, chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách Đảng viên với trường hợp Đảng viên không đóng Đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng.
Tuy nhiên, Quy định 29 cũng nêu rõ, nếu Đảng viên có khiếu nại trong trường hợp này thì chi bộ sẽ báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét.
Căn cứ các quy định trên, có thể thấy, không phải mọi trường hợp Đảng viên không đóng Đảng phí đều bị xóa tên khỏi Đảng mà chỉ trong trường hợp Đảng viên không đóng Đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng.
Xem thêm: 6 trường hợp Đảng viên bị xóa tên khỏi Đảng
Xử lý Đảng viên không đóng Đảng phí thế nào? (Ảnh minh họa)
Cập nhật mức đóng Đảng phí mới nhất hiện nay
Căn cứ khoản 33.1 Điều 33 Quy định 29 năm 2016, Đảng viên đóng Đảng phí trên cơ sở tiền lương, tiền công, khoản thu nhập coi như tiền lương, tiền công, sinh hoạt phí và các khoản phụ cấp theo tiền lương, tiền công… theo quy định của Bộ Chính trị.
Trong đó, việc xác định tỷ lệ đóng Đảng phí căn cứ vào thu nhập hàng tháng của Đảng viên quy định cụ thể tại Quyết định 342-QĐ/TW ngày 28/12/2010:
– Đảng viên xác định được thu nhập thường xuyên: Đóng Đảng phí theo tỷ lệ % của thu nhập hàng tháng (chưa tính trừ thuế thu nhập cá nhân);
– Đảng viên khó xác định được thu nhập: Quy định mức đóng cụ thể hằng tháng cho từng loại đối tượng.
Mức đóng cụ thể cũng được nêu tại Quyết định 342 như sau:
Đối tượng |
Mức đóng hàng tháng |
Đảng viên trong nước |
|
Đảng viên trong cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang. | 01% tiền lương, các khoản phụ cấp, tiền công, sinh hoạt phí |
Đảng viên hưởng lương BHXH. | 0,5% mức tiền lương BHXH |
Đảng viên làm việc trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế. | 01% tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ quỹ tiền lương của đơn vị |
Đảng viên khác ở trong nước. | Từ 2.000 – 30.000 đồng/tháng |
Đảng viên khác ở trong nước ngoài độ tuổi lao động. | 50% mức đóng của Đảng viên trong độ tuổi lao động |
Đảng viên ở nước ngoài | |
– Đi du học tự túc;
– Xuất khẩu lao động; – Đi theo gia đình; – Là thành phần tự do làm ăn sinh sống ở ngoài nước. |
02 – 05 USD |
– Làm việc tại cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước.
– Là lưu học sinh theo Hiệp định được nước ngoài tài trợ hoặc được đài thọ từ ngân sách Nhà nước. |
01% mức sinh hoạt phí hằng tháng |
Là chủ hoặc đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại, cửa hàng dịch vụ. | Tối thiểu 10 USD |
Đặc biệt: Khuyến khích Đảng viên thuộc mọi đối tượng tự nguyện đóng Đảng phí cao hơn mức quy định trên nhưng phải được chi ủy đồng ý.
Xem thêm
Mẫu Đơn đề nghị miễn hoặc giảm Đảng phí chi tiết nhất (Ảnh minh họa)
Khi nào Đảng viên được miễn đóng Đảng phí?
Mặc dù theo Điều lệ Đảng và các văn bản khác của Bộ Chính trị, việc đóng Đảng phí là nhiệm vụ của Đảng viên. Tuy nhiên, Quyết định 342 năm 2010 quy định:
Đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu có Đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí, chi bộ xem xét, báo cáo lên cấp ủy cơ sở quyết định
Do đó, có thể thấy, để được xem xét, quyết định miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí, Đảng viên phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:
– Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
– Có Đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí;
– Được chi bộ xem xét, báo cáo cấp ủy cơ sở và được cấp ủy cơ sở đồng ý.
Dưới đây là mẫu Đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng Đảng phí để quý Đảng viên và độc giả của LuatVietnam tham khảo:
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – tự do – hạnh phúc
ĐƠN XIN MIỄN/GIẢM ĐÓNG ĐẢNG PHÍ
Kính gửi: Chi bộ……………………………………………………………………..
Tôi tên là:………………… ………………………………………………………….
Sinh ngày:………………… ………………………………………………..……….
CMND/CCCD số:……….. …..………Ngày cấp:………….Nơi cấp:………..……
Hộ khẩu thường trú:…………………………..……………………………………..
Ngày vào Đảng:…………………..…………………………………………………..
Tôi làm đơn này xin trình bày một việc như sau:
Hiện nay, gia đình tôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo số…………….. ngày……
Do đó, tôi làm đơn này kính đề nghị chi bộ………….. xem xét đồng thời kính đề nghị cấp ủy…………. xem xét và đồng ý cho tôi được miễn/giảm đóng Đảng phí.
Tôi xin cam đoan những thông tin, nội dung nêu trên là đúng sự thật. Nếu có sai sót, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước chi bộ ……………. và pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
…………., ngày…tháng…năm….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ tên)
Lưu ý: Gửi kèm Đơn đề nghị bản sao thẻ Đảng, giấy tờ, tài liệu chứng minh hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn như Giấy chứng nhận hộ nghèo…
Trên đây là tổng hợp Không đóng Đảng phí, Đảng viên bị xử lý thế nào?. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.