Cán bộ - công chức - viên chức

Chế độ dành cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái đắc nhiệm

Chế độ dành cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái đắc nhiệm

Khi muốn được tái cử, tái đắc nhiệm, cán bộ phải đáp ứng một trong các điều kiện về tuổi. Vậy nếu các đối tượng này không đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ có chế độ thế nào?

Điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm của cán bộ

Khoản 3.3 Điều 3 Mục II Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 quy định, các đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội nói chung phải đủ tuổi công tác trọn 01 nhiệm kỳ.

Trong đó, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ ½ nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy ở mỗi cấp và chính quyền.

Để hướng dẫn cụ thể về độ tuổi của cấp ủy viên, Điều 2 Mục III Hướng dẫn số 26 năm 2019 giải thích như sau:

– Độ tuổi tái cử chính quyền ít nhất là 30 tháng và thời điểm tính độ tuổi tái cử chính quyền là tháng 5/2021.

– Đối với cán bộ, công chức cấp xã: Ít nhất phải từ ½ nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm đại hội hoặc bầu cử của mỗi tổ chức (tính theo tháng) và có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

– Các trường hợp đặc thù khác còn tuổi công tác từ 01 năm (12 tháng) trở lên, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý thì được xem xét tiếp tục tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu gồm:

  • Bí thư là Thủ trưởng, Phó Bí thư cấp ủy chuyên trách trong Đảng bộ của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp;
  • Các đồng chí tái cử cấp ủy trong Đảng bộ quân sự, công an (tỉnh, huyện) và Đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh;
  • Phó Bí thư Đảng ủy là Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính và các Ngân hàng thương mại Nhà nước (hoặc Nhà nước có cổ phần chi phối).

Đặc biệt, nếu tuổi của cán bộ, Đảng viên không thống nhất trong hồ sơ thì xác định theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng (theo khoản 9.2 Điều 9 Hướng dẫn số 01-HD/TW).

Nếu chỉ ghi năm sinh, không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì xác định là ngày 01 và tháng 01 của năm sinh ghi trong hồ sơ.

Như vậy, ngoài các trường hợp đặc biệt, thông thường cán bộ phải đủ ít nhất 30 tháng (đủ tuổi công tác từ ½ nhiệm kỳ) thì đủ tuổi để được tái cử, tái bổ nhiệm.

Chế độ dành cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái đắc nhiệm Không đủ điều kiện tái cử, cán bộ được hưởng chế độ gì? (Ảnh minh họa)

 

Chế độ dành cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái đắc nhiệm

1/ Về hưu trước tuổi

Căn cứ Điều 3 Nghị định 26/2015/NĐ-CP, cán bộ khi không đủ các điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nêu trên sẽ được hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm trở lên;

– Có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ.

Khi đó, các đối tượng này sẽ được hưởng các chế độ:

– Chế độ hưu trí;

– Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

– Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi;

– Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho tổng 20 năm đầu công tác, có đóng BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp ½ tháng lương.

Không chỉ vậy, Nghị định này cũng quy định cụ thể về việc xếp lương, nâng bậc lương trước hạn, nâng ngạch của cán bộ trong trường hợp này như sau:

– Tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi, cán bộ xếp lương ở bậc 1 của chức danh đang đảm nhiệm từ đủ 48 tháng trở lên: Xếp lên bậc 2 của chức danh hiện đảm nhiệm để nghỉ hưu;

– Cán bộ chưa xếp bậc lương cuối cùng ở ngạch hiện giữ mà trong thời gian giữ bậc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật, tại thời điểm nghỉ hưu trước tuổi còn thiếu 01 – 12 tháng để nâng bậc lương thường xuyên: Được nâng bậc lương trước hạn để nghỉ hưu;

– Cán bộ đang hưởng bậc lương cuối cùng hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch hiện giữ, đã có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật trong thời gian 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu: Nâng ngạch không qua thi lên ngạch trên liền kề để nghỉ hưu.

– Cán bộ xã công tác tại nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên; có thời gian tham gia quân đội, công an, được Nhà nước tặng huân chương, huy chương nếu còn thiếu thời gian đóng BHXH từ 2,5 năm (30 tháng) trở xuống mới đủ thời gian đóng đủ 20 năm: Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu để thực hiện chế độ hưu trí.

2/ Tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu

Nếu cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì được bố trí công tác phù hợp. Nếu không bố trí được công tác phù hợp thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

Đồng thời, các đối tượng nêu trên sẽ được bảo lưu mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ đã được hưởng trong vòng 06 tháng, từ tháng thứ 07 trở đi hưởng mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ của vị trí công tác mới nếu có một trong hai điều kiện sau đây:

– Vị trí công tác mới không quy định mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ (không phải chức danh lãnh đạo);

– Vị trí công tác mới có mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ thấp hơn mức lương chức vụ, phụ cấp chức vụ đã được hưởng.

3/ Được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu

Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm sẽ được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định;

– Không bố trí được vị trí công tác phù hợp;

– Không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi.

Đáng lưu ý: Trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu, cán bộ thuộc trường hợp trên vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác và được hưởng các chế độ sau:

– Được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác Đảng (nếu có).

– Được đóng BHXH, bảo hiểm y tế theo quy định;

– Chế độ phục vụ, chế độ điện thoại (nếu có) thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.

– Nếu thuộc diện đang đi công tác được sử dụng thường xuyên xe ô tô con phục vụ công tác, tham gia cuộc họp, hội nghị hoặc đi khám chữa bệnh thì báo cơ quan nơi công tác để bố trí xe đưa đón. Nếu không được bố trí được xe đưa đón thì tự túc phương tiện và được thanh toán chi phí.

– Nghỉ hưu không tính vào biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi cán bộ đã có thông báo?

Hiện nay, có nhiều cán bộ không đủ tuổi tái cử cấp ủy và đã được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo hoặc quyết định nghỉ hưu trong năm 2020.

Tuy nhiên, đầu năm 2021, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực đã chính thức thay đổi tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, kể từ 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ.

Vậy thời điểm nghỉ hưu của cán bộ không đủ tuổi tái cử trong trường hợp này có phải điều chỉnh theo quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019 không?

Để giải đáp vấn đề này, mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 2274 nêu rõ sẽ giữ nguyên thời điểm nghỉ hưu như thông báo hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, cũng yêu cầu rà soát lại hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hưu trí để xem xét trường hợp nào chưa được giải quyết đúng với quy định trên thì điều chỉnh lại và truy trả số tiền chênh lệch nếu có cho những cán bộ về hưu này.

Trên đây là tổng hợp Chế độ dành cho cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái đắc nhiệm. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục