Đất đai - nhà ở

6 lưu ý người dân cần phải biết khi mua đất dự án

6 lưu ý người dân cần phải biết khi mua đất dự án

Việc mua đất dự án tại các địa phương khá phổ biến với nhiều thông tin hấp dẫn người mua như giá rẻ, giao thông thuận tiện, tương lai sẽ triển khai nhiều dịch vụ tại khu vực đó nhưng thực tế nhiều dự án chứa đựng không ít rủi ro.

1. Đất dự án là gì?

Hiện nay pháp luật đất đai không quy định hay giải thích thế nào là đất dự án. Tuy nhiên, khi căn cứ Luật Đất đai 2013 và thực tế các dự án đã và đang được chuyển nhượng thì đất dự án (đất nền dự án) là diện tích mà tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư.

Đất nền dự án trên thực tế là diện tích đất chưa tiến hành xây dựng nhà ở (vẫn còn trong trạng thái ban đầu – chỉ có mặt bằng).

Đất dự án gồm những loại sau:

– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở (đây là đất dự án phổ biến nhất – chủ đầu tư phân lô, bán nền cho người dân).

– Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

– Dự án sản xuất, kinh doanh không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước.

2. Điều kiện chuyển nhượng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở

Căn cứ khoản 17 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, gồm:

– Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.

– Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).

– Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định như sau: Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.

– Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.

Lưu ý:

– UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức công bố công khai các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trước khi tổ chức thực hiện các dự án đầu tư.

– Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt.

Chi tiết trình tự và thủ tục làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất năm 2021  » Thông tin Dự án - Cập nhật tin tức Bất Động Sản mới nhấtNhững quy định cần biết khi mua đất dự án (Ảnh minh họa)

3. Phải yêu cầu chủ đầu tư sang tên Sổ đỏ

Theo quy định của Luật Đất đai 2013 khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) cho toàn bộ diện tích dự án. Khi đủ điều kiện phân lô, bán nền và ký hợp đồng chuyển nhượng thì chủ đầu tư có nghĩa vụ tách thửa để đăng ký biến động (sang tên) cho người nhận chuyển nhượng.

4. Phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng

Dù là đất nền dự án hay thửa đất riêng của hộ gia đình, cá nhân thì hợp đồng chuyển nhượng vẫn phải công chứng hoặc chứng thực theo quy định, trừ trường hợp một hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản. Nội dung này được nêu rõ tại điểm a, b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 như sau:

“a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;”.

5. Đọc kỹ hợp đồng đặt cọc

Thông thường trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng chủ đầu tư hoặc bên môi giới yêu cầu người dân đặt cọc một số tiền nhất định. Hợp đồng đặt cọc thông thường do chủ đầu tư, môi giới soạn trước trên cơ sở ý kiến của bộ phận pháp chế hoặc công ty/văn phòng luật nên hợp đồng có nhiều điều khoản bất lợi cho người đặt cọc. Do đó, trước khi đặt cọc người dân cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về quyền, nghĩa vụ của các bên và mức phạt cọc.

Người dân cần nắm rõ bản chất của đặt cọc là biện pháp bảo đảm để giao kết hoặc thực hiện hợp đồng và mức phạt cọc quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.

Xem thêm: Quy định về hợp đồng đặt cọc mua đất

6. Không mua bằng hợp đồng ủy quyền

Để tăng doanh số thì nhiều nhà đầu tư hoặc bên môi giới thường đưa ra các khuyến mại hoặc quà tặng như tặng vàng hoặc chiết khấu %, đồng thời với đó là lời đề nghị người mua ký hợp đồng ủy quyền.

Tuy nhiên, khi nhận chuyển nhượng đất phân lô, bán nền hoặc bất kỳ loại đất nào người dân không nên mua bằng hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp chấp nhận rủi ro vì người trả tiền sẽ không là “chủ đất” và không được đứng tên trên Giấy chứng nhận mà thay vào đó họ chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vi ủy quyền.

Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.

Như vậy, bản chất của ủy quyền là bên nhận ủy quyền thay mặt bên ủy quyền để thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sử dụng, chuyển nhượng, tặng cho và các quyền khác nếu có thỏa thuận; bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trên đây là tổng hợp 6 lưu ý người dân cần phải biết khi mua đất dự án. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục