Website lừa đảo cho vay tiếp tục nở rộ
Có tên miền .vn nhưng đặt máy chủ tại Trung Quốc, nhiều website mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính lừa đảo hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Dự án Chống lừa đảo cho biết đã ghi nhận 15 trang vay tiền tín dụng đen, sử dụng tên miền .vn trong ngày 30/1. Một số website trong danh sách như **credit.vn, sa**nbank.vn, sh***.vn hay wet***.vn.
Trả lời Zing, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật của Chống lừa đảo chia sẻ các website cho vay tín dụng đen, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thông tin danh tính xuất hiện ngày càng nhiều. Trong bối cảnh tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, nhiều người đã sập bẫy.
“Thông qua mạng xã hội, kẻ lừa đảo tiếp cận những người có nhu cầu vay vốn qua tin nhắn riêng hoặc chạy quảng cáo”, ông Hiếu cho biết.
Đánh trúng tâm lý của người vay cần khoản tiền lớn và thủ tục nhanh gọn, kẻ lừa đảo yêu cầu họ truy cập các website với giao diện khá giống ngân hàng, công ty tài chính để tạo niềm tin.
Sau khi trao đổi qua lại, kẻ gian gửi giấy tờ giả, thuyết phục khách hàng chuyển phí đảm bảo hồ sơ, phí bảo hiểm.
Một kịch bản khác, chúng lấy lý do tài khoản ngân hàng bị đóng băng, CMND/CCCD nằm trong danh sách đen của ngân hàng để yêu cầu người vay chuyển tiền, cùng cam kết “sẽ được ngân hàng, công ty tài chính trả lại với khoản vay”.
“Nhiều người đã chấp nhận chuyển khoản cho kẻ gian từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Kết quả, họ không thể vay mà còn mất cả tiền”, ông Hiếu nói thêm.
Theo ghi nhận của Chống lừa đảo, các website vay tiền thuê máy chủ của Alibaba, đặt tại Trung Quốc. Giao diện trang web có thiết kế sơ sài, chỉ hiển thị tốt trên điện thoại. Nếu để ý, phần thông tin liên hệ trên các web không rõ ràng, ngữ pháp tiếng Việt sai và thiếu chuyên nghiệp.
Trong những báo cáo gửi đến Chống lừa đảo, nhiều nạn nhân là sinh viên, người mới đi làm hoặc thất nghiệp, có nhu cầu vay tiền để đóng học phí hoặc trang trải sinh hoạt.
Kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển các khoản phí với tổng số tiền cao hơn khoản vay, sau khi khách hàng chuyển tiền thì bỏ trốn. Thậm chí, nạn nhân phải đi vay nơi khác để hoàn tất các khoản phí mà đối tượng yêu cầu.
Một nạn nhân khác cho biết dù không vay, người này vẫn bị các nhóm cho vay đe dọa, bôi nhọ danh dự do là đồng nghiệp của người vay tiền.
Chia sẻ với Zing, ông Hiếu cho biết nạn nhân của các website lừa đảo có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng vì nhiều lý do như thiếu bằng chứng, sợ gia đình phát hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc không biết thủ tục trình báo.
“Sau khi tiếp nhận thông tin, Chống lừa đảo đã hướng dẫn nạn nhân cách trình báo lên cơ quan chức năng để xử lý”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo đại diện của dự án, một số người trước khi vay tiền qua website không đọc kỹ thủ tục, điều khoản, quy định về lãi, phí, hạn trả nợ nên dễ bị lừa đảo.
“Tốt nhất khi có nhu cầu vay tiền, người dùng nên đến các ngân hàng uy tín, tuyệt đối không tin những lời quảng cáo trên Internet, tránh tiền mất tật mang”, ông Hiếu lưu ý.
Phúc Thịnh
Nguồn: Zingnews.vn
Trên đây là tổng hợp Website lừa đảo cho vay tiếp tục nở rộ. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.