Tin tức

Vì sao công chứng viên thoát trách nhiệm trong các vụ án lừa đảo?

(PLO)- Để ràng buộc được trách nhiệm bồi thường, cần chứng minh được công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại.

Tại TP.HCM, số lượng giao dịch dân sự phải thông qua thủ tục công chứng rất lớn. Thời gian qua, việc giả mạo chủ thể và giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng diễn ra với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, khi xét xử các vụ án liên quan, tòa không thể buộc nghĩa vụ bồi thường đối với công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng. Vì sao?

Có thiệt hại nhưng không có căn cứ yêu cầu công chứng bồi thường

Tháng 7-2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng nghị của VKS, bác kháng cáo của bị hại; tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Trịnh Trường Giang 18 năm tù, Trần Thanh Hải bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giang đã giả chữ ký của một chủ đất (trong hợp đồng ủy quyền cho Giang) để bán thửa đất tại quận Gò Vấp, gây thiệt hại hơn 18,5 tỉ đồng. Các hợp đồng ủy quyền được CCV NCK soạn thảo và có chữ ký chứng thực của CCV NDT.

Vì sao công chứng viên thoát trách nhiệm trong các vụ án lừa đảo? ảnh 1
Công chứng viên tại một tổ chức hành nghề công chứng đang tác nghiệp (Ảnh minh họa không liên quan đến nội dung của bài) Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, hai CCV thừa nhận làm sai quy trình và do tin tưởng bị cáo. Hành vi của hai CCV đã vi phạm quy định Luật Công chứng và có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm không tuyên Văn phòng công chứng (VPCC) liên đới bồi thường là trái Luật Công chứng năm 2015 (Điều 38 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại do lỗi của CCV gây ra).

HĐXX phúc thẩm bác kháng nghị với lý do “quá trình xét xử, tòa sơ thẩm đã yêu cầu làm rõ hành vi của CCV và trách nhiệm của VPCC nhưng kết quả điều tra cho thấy không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hai CCV. Tòa sơ thẩm đã kiến nghị Sở Tư pháp TP.HCM có biện pháp xử lý trách nhiệm VPCC”.

Tại giai đoạn phúc thẩm, HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra làm rõ vai trò của CCV, nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý.

Vụ án này chỉ là một trong những vụ điển hình về việc không “cột” được trách nhiệm của CCV.

Có lỗi mới phải bồi thường thiệt hại

Việc xem xét trách nhiệm bồi thường của CCV đã được quy định tại Điều 38 Luật Công chứng. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi CCV vi phạm dẫn đến bồi thường hợp đồng công chứng cũng được quy định tại Điều 600 BLDS (tổ chức hành nghề công chứng bồi thường cho khách, sau đó yêu cầu CCV bồi hoàn).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ ràng buộc trách nhiệm của CCV và tổ chức hành nghề công chứng trong các vụ án mà người yêu cầu công chứng bị lừa.

Tháng 4-2023, tại Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên đề “Giải đáp những vướng mắc về nghiệp vụ xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán”, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã có giải đáp về trách nhiệm liên đới bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng trong vụ án lừa đảo. Theo đó, nguyên tắc là ai chiếm đoạt thì người đó phải bồi thường; nếu không chứng minh CCV đồng phạm, sử dụng số tiền bị cáo chiếm đoạt thì không thể buộc tổ chức hành nghề công chứng liên đới bồi thường.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự, ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: Trách nhiệm này chỉ phát sinh khi có hành vi và gây thiệt hại theo BLDS hoặc có hành vi phạm tội và gây thiệt hại theo BLHS.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 48 BLHS và Điều 584 BLDS thì trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi và chỉ khi có hành vi phạm tội gây ra. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại…

Nhận diện hành vi giả mạo trong công chứng

Theo báo cáo UBND TP.HCM gửi Ủy ban Pháp luật Quốc hội vào tháng 7 vừa qua, TP.HCM có số lượng CCV, tổ chức hành nghề công chứng nhiều nhất cả nước (7 phòng công chứng và 110 VPCC).

Theo UBND TP.HCM, hiện nay tệ nạn giả mạo giấy tờ, giả mạo người để yêu cầu công chứng và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng đang ngày càng nhiều và tinh vi hơn, dẫn đến một số CCV e ngại, sợ trách nhiệm. Trong khi đó, chất lượng CCV chưa đồng đều về kỹ năng hành nghề, nhận diện các hành vi giả mạo, lừa đảo trong hoạt động công chứng.

Loại trừ trách nhiệm nếu tuân thủ đầy đủ quy trình công chứng

Theo CCV Lê Ngọc Tình, Phòng Công chứng số 2 TP.HCM, Luật Công chứng nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật. Người cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật… có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Căn cứ Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS khi có đầy đủ các yếu tố: có hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác…; có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi vi phạm.

Do đó, khi có thiệt hại xảy ra phải chứng minh được CCV có hành vi vi phạm pháp luật và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại thì mới yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng liên đới bồi thường theo Điều 38 Luật Công chứng. Nếu CCV cố ý tham gia vào việc giả mạo để lừa đảo thì còn phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức công chứng cần phải được loại trừ nếu CCV tuân thủ đầy đủ quy trình công chứng. Lúc này, lỗi hoàn toàn thuộc về người yêu cầu công chứng.

Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được CCV biết giấy tờ giả mà vẫn công chứng thì CCV có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 14 Nghị định 110/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS.

Cần đưa đơn vị bảo hiểm nghề nghiệp tham gia tố tụng

Theo CCV Ninh Thị Hiền (Trưởng VPCC Ninh Thị Hiền), hai nguyên tắc chính được thừa nhận rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới là hiệu lực ràng buộc của hợp đồng và tuân thủ các thỏa thuận. Nghĩa là các bên khi đã giao kết hợp đồng thì phải thực hiện những gì đã hứa trên tinh thần thiện chí, trung thực; giúp các bên tin tưởng lẫn nhau để thực hiện việc xác lập hợp đồng.

Cần phân biệt hành vi CCV tham gia làm giả giấy tờ với việc CCV sử dụng giấy tờ bị làm giả do người yêu cầu công chứng cung cấp. Pháp luật buộc các bên công khai sự kiện xác lập hợp đồng, giao dịch trước tổ chức hành nghề công chứng nhằm mục đích cho các bên chịu trách nhiệm những gì cung cấp. Bên nào cố tình đưa ra lời hứa sai sự thật, lừa dối cho bên kia tin tưởng mà xác lập thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo CCV Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM, không thể buộc tổ chức hành nghề công chứng bồi thường hoặc liên đới bồi thường khi CCV thực hiện công chứng theo quy định pháp luật và không thể biết được thủ đoạn gian dối của đối tượng vi phạm pháp luật. Cạnh đó, CCV đều mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc. Do đó, khi xét xử các vụ án liên quan trách nhiệm bồi thường trong hoạt động công chứng, tòa án phải yêu cầu công ty bảo hiểm tham gia tố tụng. Hiện nay chưa có vụ án nào mà tòa tuyên công ty bảo hiểm phải bồi thường.

VPCC không phải người bảo lãnh cho bị cáo nên không phải bồi thường thay

Tháng 10-2019, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt hai bị cáo Lê Thị Mỹ Dung 13 năm tù, Lê Văn Trợ bảy năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dung thuê người đóng giả chủ đất và Trợ đóng giả chồng chủ đất, cầm giấy tờ đất thật đã đánh tráo được đến VPCC Phú Nhuận làm hợp đồng ủy quyền bán đất.

Vì sao công chứng viên thoát trách nhiệm trong các vụ án lừa đảo? ảnh 2
Bị cáo Lê Thị Mỹ Dung. Ảnh: PLO

Về phần dân sự, tòa tuyên buộc hai bị cáo liên đới bồi thường 4,9 tỉ đồng cho bị hại; nếu bị cáo không có khả năng bồi thường thì VPCC Phú Nhuận phải bồi thường thay.

Tháng 5-2020, xét xử phúc thẩm, tòa không buộc VPCC bồi thường thay. Theo HĐXX phúc thẩm, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện CCV khi thực hiện công chứng ủy quyền đã biết việc các bị cáo, đối tượng liên quan thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại hoặc đã có sự bàn bạc, cố ý tạo điều kiện cho các bị cáo, đối tượng liên quan thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra, VKS không buộc CCV có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

VPCC không có nghĩa vụ liên đới trong việc bồi thường số tiền này vì VPCC không phải là người bảo lãnh. Tòa án cấp sơ thẩm buộc trong trường hợp các bị cáo không có khả năng bồi thường số tiền này thì VPCC có nghĩa vụ bồi thường thay cho các bị cáo toàn bộ hoặc phần nghĩa vụ còn lại ngay sau khi có chứng từ xác thực về khả năng thanh toán của hai bị cáo là không đúng pháp luật.

Song Mai

Nguồn: plo.vn

Trên đây là tổng hợp Vì sao công chứng viên thoát trách nhiệm trong các vụ án lừa đảo?. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục