Tin tức

Vay nóng bủa vây công nhân cuối năm

Vừa bị dí tờ rơi vay “thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh” ở khu công nghiệp, về phòng trọ anh Trần Thanh Huy lại thấy tấm card tương tự nhét ở khe cửa.

Anh Huy, 40 tuổi, vốn là công nhân may ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), nhưng đã bị tạm hoãn hợp đồng từ tháng 10 do nhà máy thiếu đơn hàng. Trong khi đó, vợ anh chỉ còn đi ca hành chính và phải nghỉ một số ngày trong tháng, tiền lương nhận được chưa đến 5 triệu đồng. Hơn hai tháng qua, anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ nhưng thu nhập không đáng kể.

Trước đây, cả nhà thường trông vào khoản thưởng cuối năm để sắm áo quần mới cho con và dành chút đỉnh về quê. Tuy nhiên năm nay, công ty khó khăn vì thiếu đơn hàng, hai vợ chồng có thể không được đồng nào. “Bí quá chắc phải vay, các con cần có Tết”, nam công nhân nói. Trước đây mỗi khi kẹt tiền anh thường mượn người quen nhưng mấy tháng qua “nhìn quanh ai cũng khó”.

Hai tờ rơi cho vay vốn mà anh Huy nhận được. Ảnh: An Phương
Hai tờ rơi cho vay vốn mà anh Huy nhận được. Ảnh: An Phương

Cầm trên tay hai tờ rơi vừa nhận được, anh bấm máy gọi. Nhân viên công ty tài chính tư vấn do anh Huy không có lương, thẻ bảo hiểm y tế, không có phiếu đóng tiền điện, nước để chứng minh chỗ ở lâu dài nên lãi vay ở mức 60% mỗi năm – gấp ba lần mức quảng cáo. Hạn mức anh được vay 10-15 triệu đồng. Hồ sơ chỉ cần bản chụp chứng minh nhân dân, nhận tiền ngay. Người vay bắt đầu trả gốc, lãi từ tháng sau.

Anh Huy là một trong số hơn 108.000 lao động ở TP HCM bị giảm giờ làm, mất việc do nhà máy thiếu đơn hàng, theo số liệu thống kê của các cấp công đoàn thành phố. Trên phạm vi cả nước, tính từ tháng 9-11, con số này khoảng nửa triệu người.

Trong tháng 11, Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) tiến hành khảo sát trên 6.200 công nhân ở cả ba miền cho kết quả thời gian làm việc bình thường của công nhân giảm còn 7,25 tiếng mỗi ngày thay vì 8 tiếng như quy định và không có tăng ca. Thu nhập từ đó giảm xuống 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng trong quý 3 như Tổng cục Thống kê công bố.

Nếu trong điều kiện bình thường, tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng. Như vậy thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu. Việc này khiến gần 59% công nhân không có tích lũy. Ngay cả với những người có tiền để dành, nếu mất việc thì 11,7% cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng. 38% công nhân tham gia khảo sát cho biết đang vay nợ và 14% trong số đó khó trả đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen.

Tương tự, một khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) mới đây trên 400 lao động tại TP HCM cũng cho kết quả tương tự khi khoảng 60% không có tích lũy. Khó khăn về tài chính, gần 40% người lao động sẽ tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, chỉ 16% sử dụng tiền tiết kiệm và trên 25% cho biết buộc phải vay mượn từ nhiều nguồn. Số nợ trung bình mà những người tham gia khảo sát đang mắc là trên 77 triệu đồng, gấp 5 lần thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động. Trên 65% lao động đang trả lãi cho khoản nợ của họ.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Social Life, dẫn khảo sát trước đó của viện chỉ ra ngay cả với những công nhân có tích lũy, khi mất việc chỉ 36% có thể duy trì cuộc sống 1-3 tháng. Nếu không tìm được việc mới họ buộc phải vay mượn. Những tháng cuối năm nhiều nhà máy giảm đơn hàng, công nhân mất việc kết hợp Tết sắp đến, người lao động sẽ phải vay mượn. Với những lao động không có hợp đồng, không chứng minh được thu nhập rất khó tiếp cận nguồn vay lãi suất thấp nên dễ tìm đến tín dụng đen, app (ứng dụng) cho vay với lãi rất cao.

Thông tin vay tiền trên các nhóm công nhân. Ảnh: Lê Tuyết
Thông tin vay tiền trên các nhóm công nhân. Ảnh: Lê Tuyết

Anh Phạm Thiều, quản trị viên Nhóm công nhân Khu chế xuất Tân Thuận với gần 34.000 thành viên, cho biết tín dụng đen không chỉ tiếp cận công nhân qua tờ rơi giấy mà bủa vây trên mạng. Mỗi ngày anh phải xóa 30-40 tin cho vay tiêu dùng, app vay tiền đăng lên nhóm. Để hạn chế những tin nhắn kiểu này, anh cài đặt hạn chế các từ khóa liên quan vay tiền. Tuy nhiên chỉ cần công nhân để lọt thông tin mất việc, cần tiền, những người cho vay vào nhắn tin ngay hoặc thả bình luận vào dưới trạng thái để tiếp cận.

“Tin nhắn dội liên tục đúng lúc khó khăn, nhiều người vốn không muốn vay nhưng rồi cũng lung lay. Sau đó dính luôn”, anh Thiều nói.

Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ trọ ở phường Thạnh Lộc (quận 12), nói trước đây những người cho vay lãi suất cao lợi dụng lúc vắng người đến các phòng trọ nhét các tấm card in thông tin vay vốn qua khe cửa, tiếp cận công nhân. Sau này, khu trọ lắp camera, cửa cổng mở bằng vân tay nên nhóm này không vào được. Tuy nhiên, vẫn có người “dính” tín dụng đen do quá nhiều nguồn tiếp cận.

“Dính vào là không có lối ra”, ông Tâm nói và ví dụ một trường hợp ở khu trọ vay 13 triệu đồng từ cách đây 10 năm nhưng đến nay mỗi tháng vẫn phải trả lãi 2,5 triệu đồng. Tổng số tiền đã trả cho chủ nợ lên đến 300 triệu đồng nhưng gốc còn nguyên. Nợ cũ chưa xong nhưng mới đây khi con trai bị tai nạn, người phụ nữ 50 tuổi này tiếp tục vay thêm 7 triệu đồng.

Theo ông Tâm phần lớn người lao động nhận thức được tác hại tín dụng đen nhưng có trường hợp khi cần lại không tìm được nguồn vay lãi suất thấp. Số tiền cần vay không nhiều nhưng lại gấp trong khi ngân hàng phải cần thời gian thẩm định hồ sơ. “Với tín dụng đen, chỉ cần một cuộc gọi, tiền sẽ được chuyển ngay”, ông Tâm nói.

Công nhân tan ca ở nhà máy tại quận Bình Tân. Ảnh: Hữu Khoa
Công nhân tan ca ở nhà máy tại quận Bình Tân. Ảnh: Hữu Khoa

Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân hồi giữa năm nay, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, nói thủ đoạn chính của tổ chức tín dụng đen là cho vay không thế chấp; dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp hoặc qua ứng dụng, mạng xã hội với lãi suất cao bất thường.

“Có trường hợp lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1.000%/tháng. Tín dụng đen sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM”, tướng Quang nói. Ba năm qua, Bộ Công an đã xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP (Liên đoàn lao động TP HCM), cho biết hiện nhu cầu vốn của công nhân tăng khá cao do ít việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm sâu. Tuy nhiên, CEP không đủ tiền để phục vụ do khó tiếp cận được các nguồn vốn mới. Chưa kể, những khoản vay cũ của CEP khó thu hồi để tạo nguồn vốn xoay vòng cho người mới do công nhân giảm lương, nghỉ Tết sớm, về quê.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước và Tổng liên đoàn lao động triển khai gói tín dụng trị giá 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân lao động. Theo đó, các gói vay sẽ có mức lãi suất thấp, chỉ bằng một nửa lãi suất thị trường. Mức vay lên tới 70 triệu đồng cho các nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.

Lê Tuyết

Nguồn: vnexpress.net

Trên đây là tổng hợp Vay nóng bủa vây công nhân cuối năm. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục