Tin tức

Tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo…

Việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất nhằm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Điều này cũng nhằm giúp thị trường quyền sử dụng đất hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh.
Một góc của Khu đô thị Ngoại giao đoàn – khu đô thị đẹp ở Hà Nội Ảnh: Nguyễn Đăng
Một góc của Khu đô thị Ngoại giao đoàn – khu đô thị đẹp ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng

Giúp người mua yên tâm thực hiện giao dịch

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ). Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá, đây là một quyết định thể hiện rõ sự quyết liệt từ phía Chính phủ trong công cuộc minh bạch hóa thị trường bất động sản (BĐS). Lâu nay việc giao dịch các BĐS như nhà thổ cư trên thị trường chủ yếu thông qua các Môi giới cá nhân. Họ kết nối người bán với người mua và nhận phí môi giới. Sau đó, thị trường có thêm các sàn giao dịch BĐS do tư nhân thành lập. Các sàn này cũng chỉ tập trung bán các BĐS hình thành trong tương lai.

Theo VARs, Việt Nam đã có sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch vàng, sàn giao dịch BĐS… và mới đây nhất là sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Sự ra đời của các sàn giao dịch đều là những bước tiến lớn, góp phần đưa thị trường phát triển theo hướng ổn định, bền vững và minh bạch. Nhận định về điểm lợi khi thị trường BĐS Việt Nam có sàn giao dịch QSDĐ, VARs cho rằng việc mua bán QSDĐ qua sàn giao dịch sẽ giúp hạn chế tình trạng cò BĐS liên kết với nhau để đẩy giá nhà đất… nhờ những yếu tố như: Sàn giao dịch QSDĐ sẽ góp phần giám sát đầy đủ hơn thị trường thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai và đất nền dự án như hiện tại.

Các sản phẩm muốn được niêm yết trên sàn giao dịch QSDĐ đều phải cung cấp thông tin rõ ràng về tình trạng pháp lý, giá công khai… Đây là căn cứ quan trọng giúp người mua yên tâm thực hiện giao dịch, tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, mua bán nhà hai giá. Mặt khác, khi triển khai sàn giao dịch QSDĐ, nếu được kết hợp cùng với sàn giao dịch BĐS sẽ tạo cơ sở xây dựng dữ liệu về nguồn cung và giá đất trên toàn quốc. Đặc biệt, sàn giao dịch QSDĐ sẽ được xem là địa chỉ tin cậy giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuận lợi trong việc tra cứu thông tin và giao dịch.

Ngoài ra, thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch QSDĐ cũng góp phần tích cực vào việc chống thất thoát thuế cho nhà nước. Bởi lẽ, QSDĐ đang được giao dịch tự do, thiếu kiểm soát. Nhà nước chỉ thu thuế trên giá trị khai báo, không nắm được giá trị giao dịch thực. Trong khi ai cũng ngầm hiểu giữa hai giá trị này có sự chênh lệch rất lớn. Do vậy, việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ sẽ tạo cơ hội tăng khoản thuế thu được của Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc vốn hóa đất đai.

Cần phải có một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng

Có thể thấy nếu được triển khai, mô hình sàn giao dịch QSDĐ sẽ giúp khắc phục nhiều hạn chế trong việc mua – bán nhà đất hiện nay. Tuy nhiên, theo VARs, QSDĐ là một “hàng hóa” có giá trị lớn và mức độ bao phủ rộng. Do vậy, việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ chắc chắn không đơn giản, không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều.

Muốn sàn giao dịch QSDĐ thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần phải có một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Việc làm này yêu cầu sự tham gia, phối hợp của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, sự tham gia ý kiến từ những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn là rất quan trọng.

Theo VARs, có rất nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp phù hợp để đảm bảo việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ như: Chỉ thành lập ra sàn giao dịch QSDĐ rồi để đó tự vận hành, hay có cần gắn thêm vào hoạt động của các Môi giới để đảm bảo hoạt động qua sàn được sôi nổi không?

Sàn giao dịch sẽ được thành lập ở cấp nào? Cơ quan nào sẽ quản lý, giám sát việc thành lập và hoạt động của các sàn này? Việc thành lập sàn giao dịch chắc chắn sẽ phát sinh các chi phí liên quan, bao gồm bộ máy hoạt động, chi phí cho quá trình thẩm tra, thẩm định các QSDĐ đưa vào giao dịch và rất nhiều chi phí khác. Các chi phí này liệu có khiến giá BĐS tăng lên hay không, làm thế nào để hài hòa lợi ích…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Trường ĐH Luật Hà Nội, trước đây chúng ta thấy rằng, phía nhà đầu tư bỏ vốn để tạo ra các sản phẩm BĐS, sau đó nhà đầu tư lại trực tiếp bán phân phối ra thị trường. Thực tế cho thấy với một vòng tròn khép kín này có thể tạo ra sự độc quyền cho các chủ đầu tư bởi tính công khai minh bạch không cao. Vì vậy mà nhiều người muốn mua lại khó tiếp cận khi nảy sinh mặt trái là xuất hiện DN sân sau, hay bán cho người quen… để tạo sự khan hiếm giả tạo nhằm đầu cơ nâng giá. Ngoài ra, nhờ sự công khai về giá bán, các lần chuyển nhượng trước đó, nên sàn giao dịch cũng sẽ giúp công tác quản lý giá đất, tính thuế được thuận lợi hơn.

Nguyễn Đăng

Nguồn: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Trên đây là tổng hợp Tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo…. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục