Tin tức

“Sập bẫy” lừa đảo dịch vụ du lịch online

(PLVN) – Mùa hè là thời kỳ cao điểm của du lịch, do vậy các doanh nghiệp du lịch, địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai những gói sản phẩm du lịch hè hấp dẫn tới du khách. Cùng với đó, việc tham khảo, đặt các dịch vụ du lịch trên mạng đã trở nên quen thuộc trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiện ích, còn rất nhiều rủi ro mà các du khách phải cảnh giác khi mua dịch vụ du lịch ở trên mạng.

“Ma trận” lừa đảo

Hiện nay, chỉ cần gõ từ khóa “tour du lịch giá rẻ”, “săn voucher giảm giá du lịch” sẽ ra hàng loạt các page trên facebook để đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nắm bắt được tâm lý khách hàng “tham” rẻ, thích những địa điểm chụp ảnh, nghỉ dưỡng, du lịch độc đáo, mới lạ, rất nhiều đối tượng đã giả mạo các công ty du lịch – lữ hành, nhà nghỉ, khách sạn, phòng vé máy bay nhằm thực hiện những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo về “Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng”, lừa đảo “Combo du lịch giá rẻ” đã đứng ở vị trí đầu tiên trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến ở trên mạng. Nắm bắt được xu hướng thích đi du lịch, tận hưởng cuộc sống với chi phí thấp, nhiều “gói” du lịch tặng kèm ưu đãi như ở khách sạn ba sao, năm sao, kèm theo vé máy bay, nhà hàng, địa điểm vui chơi được bán trên mạng với giá vài triệu đồng, thu hút rất nhiều người mua.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 5, Phòng An ninh mạng Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt giữ đối tượng N.T.T.Tr (25 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước) vì có hành vi lừa đảo bán những “combo du lịch giá rẻ”, chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người. Được biết, đối tượng N.T.T.Tr đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Facebook ảo, sim điện thoại rác để đăng tin vào các hội nhóm về du lịch, săn voucher rẻ ở trên mạng từ đó tìm kiếm những người có nhu cầu đặt tour, khách sạn, vé máy bay.

Đối tượng Tr đã tự nhận là đại diện của một số hãng du lịch lữ hành có tên tuổi để lừa đảo nhiều khách hàng cả tin, ham rẻ đặt các tour du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn bằng cách chuyển tiền cọc hoặc chuyển toàn bộ chi phí vào tài khoản ngân hàng đã được chỉ định. Sau đó, Tr đã chặn số, hủy kết bạn, bằng hành vi này, Tr đã lừa đảo được hàng chục tỷ đồng từ những người nhẹ dạ, cả tin ở trên mạng.

Không chỉ sử dụng Zalo, Facebook, số điện thoại giả để lừa khách du lịch, nhiều đối tượng còn thực hiện hành vi tinh vi hơn rất nhiều. Từ việc lập ra cả một trang web giả, đi kèm với Facebook, Zalo được thiết kế tương tự, chuyên nghiệp như những công ty du lịch – lữ hành, phòng bán vé có uy tín và đưa ra các mức giá ưu đãi, hấp dẫn hơn so với thị trường thu hút người mua. Cho đến việc “thâm nhập” vào các trang web của nhà hàng, khách sạn để lấy thông tin khách hàng và lừa đảo. Thậm chí, nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, không ít kẻ gian đã tạo nên hình ảnh “ảo” làm giả địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn độc đáo, mới lạ.

Cục Hàng Không Việt Nam cũng đã từng có nhiều khuyến cáo về vé máy bay giả. Cụ thể, nếu khách hàng vô tình liên hệ với các trang web bán vé có giao diện gần giống với những phòng bán vé, các đối tượng lừa đảo này sẽ đặt chỗ với hãng hàng không, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán hoặc đặt cọc. Sau khi đã nhận được tiền, các đối tượng sẽ không xuất vé và chặn số, ngắt kết nối với khách hàng. Do vé máy bay chưa được thanh toán, nên sẽ tự động hủy sau 24h. Chính vì vậy, nhiều du khách dù đã rất cẩn thận kiểm tra thông tin đặt vé qua hãng máy bay, nhưng vẫn bị những “đối tượng” này qua mắt.

Không chỉ vé máy bay hay tour du lịch, mà nhiều người còn bị lừa đảo qua mạng khi đặt khách sạn online. Việc tham khảo giá, đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn ở trên mạng thông qua trung gian đã trở nên quen thuộc với nhiều người, vì khách hàng có thể đặt phòng nhanh với mức giá hợp lý, tiện lợi cho mọi người. Tuy nhiên, không ít du khách vì chủ quan mà “tá hỏa” khi đến nơi chỉ thấy những bãi đất trống, quán ăn chứ không có các căn hộ, phòng nghỉ “đẹp lung linh” như trong hình quảng cáo. Thậm chí, không chỉ khách hàng, mà các chủ nhà nghỉ cũng đã trở thành nạn nhân, bị những đối tượng lừa đảo này lợi dụng.

Thủ đoạn này, là các đối tượng lợi dụng sự chủ quan trong việc bảo mật của khách sạn để xâm nhập, chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản trang web đặt phòng khách sạn (theo hình thức online) của khách sạn, sau đó sử dụng hình thức lừa đảo bằng cách tấn công giả mạo, gửi những đường link giả với giao diện giống y hệt trang thanh toán cho các khách hàng đã đặt phòng và yêu cầu khách hàng nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP nếu không sẽ bị hủy phòng, từ đó đối tượng thực hiện giao dịch chuyển tiền đi khỏi tài khoản để chiếm đoạt.

Mánh khóe lừa đảo du lịch trên mạng ngày càng tinh vi và phức tạp. (nguồn: Travelink)
Mánh khóe lừa đảo du lịch trên mạng ngày càng tinh vi và phức tạp. (nguồn: Travelink)

Cảnh giác với những mánh khóe tinh vi

Từ số liệu của Bộ Công Thương, cho thấy, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 53 triệu khách hàng kỹ thuật số với hơn 70% dân số có quyền truy cập Internet và 53% trong số này sử dụng ví điện tử để thanh toán trực tuyến. Với tỷ lệ người mua sắm qua Internet và thanh toán bằng các hình thức online nhiều như vậy, có không ít các trường hợp người tiêu dùng đã gặp phải rủi ro không đáng có.

Theo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao, đến 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận, gây ra thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021, tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3.8 USD nếu tính trên đầu người. Còn theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%; còn lại là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân.

Do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những hình thức lừa đảo du lịch trực tuyến ngày càng biến tướng, tinh vi và phức tạp hơn rất nhiều. Chúng “đánh” vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, chủ quan trong việc kiểm tra thông tin của mọi người, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách bán những tour du lịch, vé máy bay, khách sạn hoặc ăn cắp thông tin cá nhân từ những khách sạn. Từ đó, mục tiêu cuối cùng của chúng là lấy được tiền từ các nạn nhân, rồi chặn số và “biến mất” không tung tích.

Theo nhận định của ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, những kẻ lừa đảo thường “đánh” vào tâm lý của du khách là “ham” của rẻ, bán những tour với “giá siêu rẻ”, kết hợp giữa vé máy bay, dịch vụ khách sạn chất lượng cao. Nhưng thực tế, dù có trợ giá như thế nào hay nằm trong chương trình kích cầu thì cũng không thể đủ năng lực làm như thế được. Vì thế, người dân phải cẩn thận với những tour du lịch có giá quá thấp. Du khách cần phải sáng suốt nhận định và nhất định phải là “người tiêu dùng thông thái”.

Đặc biệt, hiện nay, một số không nhỏ những giao dịch online giữa các cá nhân chỉ dựa trên cơ sở lòng tin chứ rất ít sự bảo đảm nên có thể thấy việc phải thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí trước khi sử dụng dịch vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, nếu như giao dịch với những đơn vị và cá nhân không có uy tín. Đó cũng chính là lý do mà Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa “combo du lịch giá rẻ” lên vị trí đầu tiên trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được cảnh báo.

Vì vậy, để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch trên điện thoại. Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty du lịch.

Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch đã đưa ra lời khuyên dành cho khách du lịch không những cần phải cảnh giác, mà còn nên bỏ công sức tìm hiểu về công ty du lịch – lữ hành, đại lý, phòng bán vé. Để từ đó có cơ sở, thông tin nhằm tránh gặp phải kẻ lừa đảo. Ngoài ra, nếu có điều kiện, người mua các tour du lịch, vé máy bay, tàu hỏa nên đến tận nơi để làm việc, kiểm tra, ký hợp đồng. Điều này sẽ bảo đảm cho mỗi người dân không bị đối tượng xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Hơn nữa, nên “mục sở thị” – mắt thấy, tai nghe, chứ đừng chỉ vì những hình ảnh đẹp trên mạng mà dễ dàng chuyển tiền cho người lạ, vì như vậy khả năng “tiền mất, tật mang” là rất cao.

Hương Ngọc

Nguồn: baophapluat.vn

Trên đây là tổng hợp “Sập bẫy” lừa đảo dịch vụ du lịch online. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục