Những ông trùm “tín dụng đen” kiểu mới
Có thể nói dù các cơ quan chức năng đã và đang có những biện pháp đấu tranh trấn áp một cách quyết liệt, song tội phạm ‘tín dụng đen’ vẫn len lỏi vào các ngóc ngách của cuộc sống, vươn vòi bạch tuộc nhằm siết cổ những ai trót mang thân ‘nhúng chàm’. Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà nội đã triệt phá nhiều đường dây, bóc trần các thủ đoạn tinh vi của bọn chúng.
Ông trùm “lập ổ” trên Telegram
Trong giới làm tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội ít ai không biết tới Trương Đình Đức (sinh năm 1997, thường trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng). Dù còn khá ít tuổi đời, cũng như tuổi nghề, song bù lại Đức lại có một cái đầu quái chiêu, cùng trí nhớ thuộc hạng siêu. Gã có thể nhớ được lý lịch của hàng trăm khách hàng, cùng với các khoản vay, khoản lãi suất mà không cần sổ sách. Quái hơn, ông trùm lập một group trên mạng xã hội Telegram – mạng có tiếng là bảo mật cao – để điều hành một đường dây cho vay lãi vào dạng “khủng” ở Hà Nội.
Theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an đầu năm 2022, Trương Đình Đức rủ Đỗ Minh Hiếu (sinh năm 1997, thường trú tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và một đối tượng khác đứng ra cho khách vay tiền theo hình thức bốc “bát họ”. Người vay sẽ phải trả lãi cho các đối tượng với lãi suất lên tới 100-140%/năm.
Hàng ngày, đối tượng Hiếu sẽ chịu trách nhiệm lo tiền cho khách vay, còn Đức có nhiệm vụ chốt sổ sách rồi báo lại cụ thể số khách vay, lãi suất bao nhiêu và đã thu tiền được của những ai. Lãi hàng tháng sau khi trừ các loại chi phí đi thì số còn lại Đức và Minh Hiếu chia đều cho nhau.
Ban đầu “khởi nghiệp”, các đối tượng làm tại quán nước ở phố Lê Ngọc Hân (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Để mở rộng thị trường Đức và Minh Hiếu đã thuê thêm Phan Phúc An (sinh năm 2002, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng); Đặng Huy Nhật (sinh năm 1998, trú tại quận Đống Đa); Đào Trọng An (sinh năm 2004, trú tại quận Thanh Xuân); Trần Quang Hiếu và Vương Quốc Anh (đều sinh năm 1999 và cùng trú tại quận Hai Bà Trưng) làm nhân viên, chuyên xác minh thông tin, lai lịch và điều kiện hoàn cảnh của khách hàng. Các đối tượng được ông trùm trả lương từ 5 đến 9 triệu đồng/tháng tùy theo khả năng đáp ứng công việc. Đến giữa năm 2022, ổ nhóm chuyên cho vay nặng lãi của Đức chuyển sang thuê cố định một căn hộ ở khu tập thể Thanh niên Xung kích (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) với giá 3 triệu đồng/tháng để hoạt động.
Nhằm tránh sự chú ý của lực lượng Công an, địa điểm thuê để “làm việc” của ổ nhóm trên không đăng ký kinh doanh, không treo biển bảng và chỉ tiếp khách đến trực tiếp cửa hàng. Khi khách có nhu cầu vay nhân viên ở cửa hàng sẽ tiếp và thông báo lên công ty trên mạng để kiểm tra, xác minh. Nếu khách có khả năng trả sẽ thông báo vào nhóm để Đức quyết định việc có cho vay hay không rồi mới đưa tiền mặt cho khách. Khi khách vay phải viết giấy vay tiền đã có sẵn nội dung gồm thông tin cá nhân của khách vay, số tiền cần vay, thời hạn trả rồi ký, ghi rõ họ và tên…mà không phải thế chấp đồ vật, tài sản gì.
Cơ quan điều tra xác định cửa hàng thường mở từ 13 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Hiếu được giao nhiệm vụ đến lấy tiền về cho khách vay, đến nhà khách đòi tiền và gọi điện thoại, nhắn tin cho khách thúc giục trả tiền. Đức có nhiệm vụ gọi điện thoại, nhắn tin cho khách thúc giục trả tiền, làm sổ sách quản lý khách vay, thông báo vào nhóm khách vay phải trả hàng ngày, quản lý tiền gốc, lãi, nhận tiền khách đóng qua tài khoản và quyết định việc có cho khách vay hay không.
Quá trình hoạt động, các đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Lật lại hồ sơ, có thể thấy mới cách đây ba năm thôi, Trương Đình Đức cũng từng bị cơ quan công an “sờ gáy” khi tham gia hoạt động tín dụng đen dưới trướng của ông trùm Hiếu “Chùa Vua”. Cầm tinh con chó, mới 26 tuổi Hiếu đã nổi tiếng ở khu vực quận Hai Bà Trưng với thủ đoạn cho vay lãi “cắt cổ”, kiểu đòi nợ khủng bố. Hiếu cũng hoạt động cho vay dưới hình thức “bốc bát họ” với lãi suất hơn 120%/năm. Số tiền khách hàng có thể vay dao động từ 5 triệu đến 500 triệu đồng. Hiếu thuê nhiều đối tượng gồm Trương Đình Đức, Nguyễn Mạnh Quân, Tạ Đình Đăng, Cao Duy Hiếu, Đỗ Minh Hiếu (đều sinh năm 1997 và đều ở Hà Nội) và Nguyễn Hoàng Hải (sinh nhăm 1996) làm nhân viên cửa hàng. Hàng ngày từ 14h đến 19h, Hiếu giao cho đám này đi tìm khách vay, xác minh thông tin khách, tìm khách để nhắc nhở nợ nần và thu tiền của khách vay. Toàn bộ số tiền này được chuyển qua hình thức chuyển khoản ngân hàng. Nếu người vay chậm trả hoặc không có khả năng trả, các “đàn em” của Hiếu sẽ thay nhau đến nhà để đòi tiền.
Để thu nạp những đệ tử trung thành, ngoài việc trả lương đều đặn 7-9 triệu đồng/tháng, Hiếu còn thưởng cho đám đệ tử thêm 5% trên tổng số tiền đòi được vào cuối năm để ăn Tết. Chính vì thế đám tay chân của Hiếu đều manh động, liều lĩnh, sẵn sàng khủng bố con nợ nếu không trả tiền đúng hạn. Những khách hàng vay tiền, ngoài việc cho đám đàn em điều tra kỹ nhân thân, lai lịch, sở thích, khả năng tài chính để trả nợ, thì Hiếu còn hướng dẫn khách hàng điền thông tin cá nhân vào mẫu giấy vay tiền đã in nội dung sẵn có. Những tờ giấy vay tiền này đều có nội dung “trói” khách hàng vay và nếu họ không trả thì sẽ dễ dàng bị đưa vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi khách hàng trả tiền gốc, lãi tại nơi hoạt động của Hiếu thì có trách nhiệm nhận tiền đánh dấu xác nhận vào bảng kê các khách vay đã được in sẵn rồi đưa lại tiền cho Hiếu.
Ngoài ra, khách vay còn thanh toán bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng đứng tên vợ của Hiếu. Những con nợ nào chậm trả tiền, sẽ được đám đàn em của Hiếu đêm ngày “hỏi thăm” gây sức ép bằng mọi thủ đoạn. Học được “bài vở” của đàn anh Hiếu “Chùa Vua”, Trương Đình Đức đã nhanh chóng áp dụng vào đường dây của gã, và còn “nâng lên một tầm cao mới”. Tuy nhiên, hành vi của Đức và đồng bọn đã bị các chiến sỹ CSHS Công an TP Hà Nội phát hiện triệt phá vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023.
“Bệnh nhân tâm thần” điều hành đường dây “tín dụng đen”
Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử ông trùm cho vay lãi Kiều Văn Tiến (sinh năm 1995 thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Bị cáo này vốn là phạm nhân mang tội giết người, song đã lợi dụng việc được chữa bệnh tâm thần để trốn viện ra ngoài tiếp tục gây án.
Hồ sơ từ cơ quan chức năng cho thấy, năm 2017 Tiến bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt 20 năm tù về tội giết người. Khi đang thụ án trong trại, Tiến có biểu hiện tâm thần nên cơ quan chức năng đã tiến hành trưng cầu giám định. Sau đó, Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận bị cáo mắc bệnh tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Năm 2018, TAND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định chữa bệnh bắt buộc đối với Kiều Văn Tiến và đưa về Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội). Không ai ngờ quyết định này đã “mở đường” cho gã “bệnh nhân tâm thần” tiếp tục phạm pháp.
Đầu năm 2021, bị cáo Tiến trốn ra ngoài, cùng Bùi Tiến Đạt thuê nhà ở Chung cư Ecohome (Long Biên, Hà Nội) để tổ chức hoạt động “tín dụng đen” cho khách vay tiền, lãi suất từ 7.000-8.000 đồng/1 triệu đồng mỗi ngày (tương đương lãi suất gần 300%/năm). Trong việc “hợp tác” này, Bùi Tiến Đạt chịu trách nhiệm thẩm định, làm thủ tục cho khách vay tiền, thu tiền gốc, tiền lãi của khách vay dưới sự chỉ đạo và điều hành của Tiến. Mỗi tháng, Tiến trả lương cho Đạt 5 triệu đồng. Trong quá trình đó, Tiến đã hai lần cho anh T. ở Hà Nội vay tiền. Mỗi lần vay 200 triệu đồng. Lãi suất khoản tiền vay này cao gấp 14,6 lần mức lãi suất cao nhất Bộ luật dân sự quy định.
Cơ quan điều tra xác định, số tiền bị cáo thu lợi bất chính trong hai lần cho vay là 66 triệu đồng. Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ tại phòng ngủ của Đạt tinh thể màu trắng, viên nén tròn màu hồng, thảo mộc khô màu nâu được giám định là ma túy các loại. Đối với tình trạng bệnh tâm thần của Tiến, Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận bị cáo mắc tâm thần phân liệt thể Paranoid.
Thời điểm trước khi thực hiện hành vi phạm tội và khi giám định, tình trạng bệnh ổn định, bị cáo có đủ nhận thức và điều khiển hành vi. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Tiến 36 tháng cải tạo không giam giữ (quy đổi thành 1 năm tù giam). Tiến đã có đơn kháng cáo, đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, sau thời gian lượng hình, HĐXX bác kháng cáo của Kiều Văn Tiến, giữ nguyên mức án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 1 năm tù về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đồng thời, Tiến tiếp tục phải chấp hành bản án cũ về tội giết người.
Thiệt mạng vì vay hai triệu đồng
Đầu tháng 7/2023 Phòng CSHS Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ điều tra bắt giữ đối tượng Nguyễn Trác Nghiêm (sinh năm 1993, thường trú tại xã Hữu Văn, Chương Mỹ) về hành vi giết người. Trước đó Nghiêm cho anh Đặng Trần Khiêm (sinh năm 1993, thường trú tại Hữu Văn, Chương Mỹ) vay 2 triệu đồng. Sau đó Nghiêm đã đòi nhiều lần nhưng anh Khiêm không trả và không nghe máy điện thoại của Nghiêm.
Trưa ngày 5/7/2023, Nghiêm gọi điện cho anh Khiêm yêu cầu trả nợ, rồi điều khiển xe máy đi tìm anh Khiêm để đòi nợ. Trên đường đi đến dốc đền thôn Hòa Bình thì Nghiêm nhặt được một thanh kiếm ở giữa đường(!) Nghiêm đi đến nhà anh Phùng Duy T. (sinh năm 1977, trú tại Hữu Văn, Chương Mỹ) để tìm và biết anh Khiêm đang ở trong nhà anh T. Khi nhìn thấy anh Khiêm từ trong nhà vệ sinh đi ra cổng Nghiêm hỏi ngay “mày có trả tiền không?”. Anh Khiêm nói chưa có tiền trả thì Nghiêm dùng kiếm chém vào người làm anh Khiêm ngã ra sân. Sau đó, Nghiêm cùng anh T. và mọi người đưa anh Khiêm đi cấp cứu tại bệnh viện, song do vết thương quá hiểm nên anh này đã tử vong.
Tổ chức khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân anh Khiêm chết do mất máu cấp vì vết thương ngực trái gây thủng phổi, đứt động mạch.
Minh Khang
Nguồn: antg.cand.com.vn
Trên đây là tổng hợp Những ông trùm “tín dụng đen” kiểu mới. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.