“Muôn hình vạn trạng” đòi nợ kiểu xã hội đen, quỵt nợ kiểu giang hồ
Muôn hình kiểu đòi nợ như xã hội đen
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trong đó, có 7 đối tượng là quản lý, nhân viên thu hồi nợ tại Công ty cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (phường 1, quận Tân Bình).
Trước đó, Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều tố giác, tin báo tội phạm của người dân về việc bị các đối tượng tự xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện thoại, gửi thông tin, hình ảnh với nội dung mang tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây sức ép, đe dọa về mặt tinh thần, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, buộc phải nộp tiền theo yêu cầu của các đối tượng.
Những hình thức đòi nợ kiểu khủng bố con nợ, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự như trên không phải là hiếm và có xu hướng xuất hiện nhiều lên trong thời gian qua, thậm chí đối tượng vi phạm còn có cả ở lứa tuổi vị thành niên. Một trong những sự việc tương tự là trường hợp Công an TP. Cần Thơ đã bắt một đối tượng tại thị xã Long Mỹ, Hậu Giang, là người đứng đầu nhóm nữ tuổi “teen” tham gia tổ chức đòi nợ thuê qua App.
Theo đó, nhóm đối tượng thuê một căn nhà ở TP. Cần Thơ để đòi nợ thuê cho Công ty Bamboo, do người nước ngoài cầm đầu. Các đối tượng này tổ chức đòi nợ thuê bằng cách ghép hình ảnh, chửi bới, đe dọa các nạn nhân.
Ngoài ra, việc đòi nợ kiểu xã hội đen nhưng núp bóng dưới các hình hài kinh doanh hợp pháp khác cũng không hiếm. Một trong nhưng vụ án điển hình là việc Công an tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh và công an một số đơn vị, địa phương triệt phá đường dây tội phạm núp bóng doanh nghiệp, đe dọa giết vợ, con, người vay nợ.
Cụ thể về vụ án này, Cơ quan điều tra đã tạm giam đối các bị can là nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật, nhưng các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty.
Tình trạng quỵt nợ phức tạp không kém
Trong khi tình trạng đòi nợ kiểu xã hội đen xuất hiện phức tạp với muôn hình vạn trạng thì ở một thái cực ngược lại, xã hội cũng xuất hiện tình trạng vay nợ không trả gây khó khăn và mất lòng tin trong cộng đồng xã hội đối với hoạt động vay nợ lành mạnh.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk phát hiện một nhóm đối tượng từ nhiều tỉnh thành khác nhau như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Bình Dương, Nam Định, Ninh Thuận… liên lạc với nhau trên hội nhóm Facebook có tên: “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Các đối tượng đã nhắn tin, hẹn tập trung đến địa bàn huyện Krông Năng dùng hung khí tấn công một đại lý thu mua nông sản để cướp tài sản.
Thực tế thời gian qua cho thấy, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một số hội nhóm được lập ra với mục đích cùng nhau tìm cách đối phó khi bị chủ nợ liên lạc thu hồi nợ. Những hội nhóm này có số lượng thành viên lên đến hàng chục ngàn người như: Nhóm “Tư vấn bùng nợ thẻ tín dụng vay tiêu dùng” với 27 nghìn thành viên, nhóm “Chuyên tư vấn – Bùng nợ – Xóa nợ xấu” với 127 nghìn thành viên, nhóm “Hội bùng app vay tiền và cách đối phó 2023” với 39 nghìn thành viên…
Thông thường, tình trạng phức tạp liên quan đến cả đòi nợ lẫn chống đòi nợ đều liên quan nhiều đến các hoạt động vay tiêu dùng, với tính chất các khoản vay có quy định cho vay thường thông thoáng. Ông Lê Quốc Ninh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, việc các đơn vị cầm đồ hoạt động “núp bóng” công ty tài chính cũng khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp đã ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng, điều này cũng nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.
Trong khi đó ở góc độ người vay, có nhiều trường hợp trả nợ chậm trễ 3-5 tháng, nhưng khi nhân viên thu nợ đến gặp không nhận được sự hợp tác, thậm chí hành hung nhân viên công ty. Hay trường hợp khách hàng vay nợ tại nhiều công ty tài chính cùng lúc, trong khi thu nhập chỉ vừa đủ để trả nợ một khoản vay dẫn đến mất khả năng thanh toán, chây ỳ…
Không dám cho vay do lo ngại rủi ro liên quan đến đòi nợ
Các công ty tài chính tiêu dùng cho biết, một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội đã tung thông tin không đúng bản chất sự việc, khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người vay. Thậm chí, có công ty tài chính do gặp tình trạng “chây ỳ” trả nợ ngày một nhiều đã phải tạm thời ngừng cho vay mới trong vài tháng nay vì sợ rủi ro. |
Chí Tín
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Trên đây là tổng hợp “Muôn hình vạn trạng” đòi nợ kiểu xã hội đen, quỵt nợ kiểu giang hồ. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.