Mức lương thử việc đang áp dụng hiện nay và một số lưu ý
Mức lương thử việc đang áp dụng hiện nay và một số lưu ý
Khi người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động. Với công việc làm thử này, người lao động sẽ được trả lương lương như thế nào?
Mức lương thử việc 2021 dành cho người lao động
Quy định về lương thử việc tại Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 vẫn được tiếp tục kế thừa từ BLLĐ năm 2012. Cụ thể, Điều 26 BLLĐ năm 2019 quy định về tiền lương thử việc như sau:
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo đó, khi thử việc, người lao động sẽ nhận được tiền lương theo thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% tiền lương của công việc đó.
Ví dụ: Công ty A tuyển dụng vị trí nhân viên kinh doanh với mức lương chính thức là 08 triệu đồng/tháng. Khi thử việc vị trí nhân viên kinh doanh, người lao động sẽ nhận được ít nhất: 85% x 08 triệu đồng = 6,8 triệu đồng. Tuy nhiên, người lao động cũng có thể trả với mức lương thử việc cao hơn số tiền 6,8 triệu đồng này.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 90 BLLĐ năm 2019, mức lương được trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Trong năm 2021, mức lương tối thiểu vùng vẫn được áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
Mức lương tối thiểu vùng |
Áp dụng với doanh nghiệp thuộc: |
4.420.000 đồng/tháng |
Vùng I |
3.920.000 đồng/tháng |
Vùng II |
3.430.000 đồng/tháng |
Vùng III |
3.070.000 đồng/tháng |
Vùng IV |
Đồng thời theo Điều 5 Nghị định này, với những công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề, trong điều kiện lao động bình thường, người sử dụng lao động còn phải trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, người lao động khi thử việc sẽ nhận được mức lương thử việc như sau:
Người lao động làm việc cho doanh nghiệp thuộc vùng |
Mức lương thử việc 2021 tối thiểu |
|
Công việc giản đơn nhất |
Công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề làm việc trong điều kiện bình thường |
|
Vùng I |
3.757.000 đồng/tháng |
4.019.990 đồng/tháng |
Vùng II |
3.332.000 đồng/tháng |
3.565.240 đồng/tháng |
Vùng III |
2.915.500 đồng/tháng |
3.199.585 đồng/tháng |
Vùng IV |
2.609.000 đồng/tháng |
2.791.630 đồng/tháng |
Mức lương thử việc được quy định như thế nào? (Ảnh minh họa)
Một số lưu ý đối với lương thử việc năm 2021
1 – Lương thử việc bằng 80% tiền lương đối với việc làm thử là trái luật
Mặc dù từ BLLĐ năm 2012 đến BLLĐ năm 2019 đều quy định tiền lương thử việc bằng ít nhất 85% tiền lương của công việc làm thử. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang áp dụng mức 80% tiền lương để trả cho người lao động thử việc.
Phần lớn người lao động không biết rằng quyền lợi của mình đã bị vi phạm. Việc trả lương thử việc thấp hơn mức quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính theo điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
Ngoài việc bị phạt tiền lên đến 05 triệu đồng, người sử dụng lao động trả lương thử việc thấp hơn mức 85% còn buộc phải trả đủ tiền lương theo mức này cho người lao động.
2 – Lương thử việc có thể phải trích đóng bảo hiểm xã hội
Theo quy định mới tại Điều 24 BLLĐ năm 2019, các bên có thể thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thay vì ký hợp đồng thử việc.
Trong khi đó, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ghi nhận người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, nếu các bên thỏa thuận về thử việc trong hợp đồng lao động, thì người lao động sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nói cách khác, người lao động sẽ phải trích một phần lương thử việc để đóng bảo hiểm.
Xem thêm: Khi nào người lao động thử việc được đóng bảo hiểm?
3 – Lương thử việc có thể bị tính đóng thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động được xác định là thu nhập chịu thế thu nhập cá nhân (TNCN). Do đó, tiền lương thử việc cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.
Vì vậy, trước khi trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động được phép trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người lao động theo khoản 1 Điều 25 Thông tư 111.
Tuy nhiên theo quy định này, người lao động chỉ phải nộp thuế TNCN trong các trường hợp sau:
– Người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên mà có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công > 11 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc, nếu có 01 người phụ thuộc thì thu nhập phải > 15,4 triệu đồng/tháng).
– Người lao động ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên nhưng không làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN gửi người sử dụng lao động sẽ bị khấu trừ 10% tiền lương thử việc.
Trên đây là tổng hợp Mức lương thử việc đang áp dụng hiện nay và một số lưu ý. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.