Tin tức

Lừa đảo trên không gian mạng: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Chuyên án do Công an huyện Như Xuân chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, khám phá cách đây không lâu. Các đối tượng phạm tội đều là người Việt Nam, cư trú bất hợp pháp tại Campuchia, chúng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để mạo danh nhân viên ngân hàng, hướng dẫn mở thẻ tín dụng rồi chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước.

Đến thời điểm phá chuyên án, các đối tượng đã thực hiện nhiều lượt lừa đảo với số tiền khoảng 74 tỷ đồng.

Hé lộ đường dây lừa đảo

Thượng tá Mai Anh Tiến – Trưởng Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trước đó, vào cuối tháng 6/2024, Công an huyện Như Xuân nhận được thông tin trình báo từ một công dân sinh sống ở TP Thanh Hóa về việc, chị này bị các đối tượng không rõ lai lịch giả danh nhân viên ngân hàng ở Việt Nam mời chào, rồi hướng dẫn mở thẻ tín dụng sau đó chiếm đoạt số tiền 30.000.000 đồng trong tài khoản thẻ mới mở.

Từ nguồn tin báo của công dân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát của Công an huyện Như Xuân vào cuộc nhanh chóng và xác định, đây là hoạt động của nhóm tội phạm chuyên nghiệp trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia với thủ đoạn rất tinh vi.

Lừa đảo trên không gian mạng: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới -0
                      Ban chuyên án tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh với các đối tượng.

Do tính chất vụ việc phức tạp, Công an huyện Như Xuân đã báo cáo lên đồng chí Giám đốc và đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo, xác lập chuyên án, tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng động bộ nhiều biện nghiệp vụ để đấu tranh, truy bắt các đối tượng gây án. Quá trình điều tra, ban chuyên án nhận thấy, các đối tượng phạm tội đã sang Campuchia thuê nhà ở khu chung cư biệt lập, có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt 24/24h, rồi đặt máy móc, thuê đường truyền Internet tốc độ cao, mua các tài khoản ngân hàng rác để hoạt động. Tinh vi hơn nữa, các đối tượng đã thuê lại phần mềm gọi điện qua Internet với 12 đầu số khác nhau; thuê phần mềm giả địa chỉ IP để phục vụ hoạt động phạm tội…

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook giới thiệu, quảng bá dịch vụ mở thẻ ngân hàng. Khi người dân có nhu cầu mở thẻ tín dụng ngân hàng sẽ nhắn tin qua Messenger, từ đây một nhóm đối tượng sẽ giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn các khâu, các thủ tục, thông tin cần thiết để hoàn thành việc mở thẻ tín dụng ngân hàng online. Đáng chú ý, quá trình mở thẻ tín dụng, các đối tượng yêu cầu khách hàng bắt buộc phải đăng ký hạn mức thẻ (thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 500 triệu đồng), đồng thời khách hàng phải nộp 20% số tiền hạn mức vào thẻ để chứng minh tài sản. Sau đó, các đối tượng nhử cho khách hàng gửi mã OTP qua tin nhắn để xác thực tài khoản nhưng thực chất là chúng chiếm quyền kiểm soát để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do số tiền trong tài khoản chỉ rút được bằng thẻ cứng (thẻ nhựa) hoặc chuyển qua thanh toán online, trong khi đó các đối tượng không thể có thẻ cứng để rút nên chúng chọn cách mua hàng qua mạng Internet.

Để thuận tiện, các đối tượng lựa chọn, câu kết với một số nhân viên của các siêu thị bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada… hoặc các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh, Thế giới di động, FPT shop… trên khắp cả nước đặt mua hàng và thanh toán online. Sản phẩm chủ yếu các đối tượng đặt mua là các nhãn hàng như: Điện thoại iPhone, iPad, Macbook… đời cao nhất. Sau khi thực hiện việc mua hàng thành công, các siêu thị bán hàng trực tuyến sẽ xuất hàng đến các cửa hàng điện thoại các đối tượng đã đặt trước đó. Từ đây, các đối tượng sẽ gom hàng rồi bán lại cho các cửa hàng điện thoại để kiếm lời bất chính.

Sau nhiều ngày kiên trì mật phục, theo dõi di biến động nhóm đối tượng, ngày 10/7/2024, tại Bắc Giang, một tổ công tác trong ban chuyên án đã bắt giữ 2 đối tượng là Trần Hoàng Minh và Hoàng Trọng Cường, trong đó Minh là đối tượng đặt mua hàng, Cường là chủ cửa hàng điện thoại. Tiếp đó, ngày 26/7, một tổ công tác khác của ban chuyên án đã phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) bắt giữ 2 đối tượng là Ngụy Phan Kiên và Nguyễn Lan Anh ngay khi 2 đối tượng này xuất hiện ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân đã làm rõ, đây là một đường dây tội phạm xuyên quốc gia, gồm nhiều đối tượng, được phân thành nhiều nhóm (các nhóm này không biết nhau, chỉ liên hệ trên không gian mạng và mỗi nhóm có vai trò khác nhau), để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những người bị hại.

Lừa đảo trên không gian mạng: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới -0
                          Một số vật chứng liên quan đến hành vi lừa đảo do cơ quan Công an thu được.

Thủ đoạn tinh vi

Quá trình điều tra, lực lượng Công an xác định, nhóm đối tượng phạm tội nói trên đều là người Việt Nam, sau khi sang Campuchia cư trú bất hợp pháp, bọn chúng quay lại dùng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chính những người Việt Nam ở trong nước. Điều đáng nói, các đối tượng cầm đầu các nhóm lừa đảo đều mới học hết hệ THPT, chưa được đào tạo qua trường lớp nào nhưng chúng học mót lẫn nhau, tạo thành ổ nhóm lừa đảo tinh vi, xuyên quốc gia.

Tại Cơ quan công an, đối tượng Ngụy Phan Kiên (sinh năm 1987, thôn Đông Khánh, xã Tư Mã, Yên Dũng, Bắc Giang) khai báo, hắn chỉ mới tốt nghiệp hệ THPT, đã có một vợ và con đang còn nhỏ. Kiên khai báo, cuối năm 2022, theo lời giới thiệu của bạn bè, hắn sang Campuchia tìm kiếm công việc làm ăn theo dạng “việc nhẹ lương cao”. Sau một thời gian được đồng bọn “cầm tay chỉ việc”, Kiên đứng đầu một nhóm gần 10 đối tượng, gồm: Hoàn, Huy, Mai, Thái, Hường… chạy quảng cáo, giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng mở thẻ tín dụng ngân hàng rồi chiếm đoạt tài sản.

Kiên nói rằng: “Sau khi chạy quảng cáo, ai có nhu cầu vay vốn hay mở thẻ tín dụng sẽ nhắn tin và có người tư vấn, nhưng bọn em chỉ mở thẻ tín dụng, nhân viên lấy thông tin của khách hàng, tìm hiểu khách hàng muốn mở thẻ tín dụng hạn mức là bao nhiêu…? Tiếp đó, nhân viên sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thẻ căn cước… mở thẻ tín dụng.  Khách hàng muốn mở thẻ tín dụng hạn mức (mức từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng), bao nhiêu thì cần phải chứng minh tài chính (20% hạn mức), khi khách hàng chứng minh tài chính (nộp tiền vào thẻ) thì bọn em chuyển cho nhóm của Trần Hoàng Minh… Từ đây, nhóm của Minh hoàn thành việc mua hàng, bán hàng và chuyển lại cho bọn em 71% số tiền thu được”.

Về phần mình, Trần Hoàng Minh (sinh năm 1991, Yên Dũng, Bắc Giang) khai báo, hắn cũng chỉ mới học hết bậc THPT, đã có vợ, có con và chưa có tiền án, tiền sự. Trước đó, Minh có một thời gian xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) nhưng công việc làm ăn khó khăn, thu nhập, không đủ trang trải cuộc sống nên hắn về nước. Thời gian ở quê, Minh không làm công việc gì nhưng dính vào ăn chơi đàn đúm với bạn bè, nợ nần ngày càng nhiều. Từ lời giới thiệu của bạn bè, cuối tháng 3/2024, Minh sang Campuchia tìm kiếm công việc làm ăn. Qua bạn bè giới thiệu, Trần Hoàng Minh được các đối tượng cho cầm đầu nhóm, cùng Ngô Thị Ngà và Phạm Hưng Bình, giúp sức cho nhóm của Ngụy Phan Kiên thực hiện các thao tác rút tiền trong thẻ tín dụng của khách hàng là người Việt.

Trần Hoàng Minh khai báo với Cơ quan công an: “Nhóm của anh Kiên thực hiện khâu ban đầu, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng, chủ động lấy số thẻ, ngày phát hành và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản rồi chuyển các thông tin trên cho nhóm của bị can. Sau đó, Ngà gọi cho khách hàng lấy mã OTP, Bình sử dụng mã OTP để thanh toán đơn hàng tại siêu thị FPT và Thế giới di động… Khi mua hàng thành công, bị can gom về và bán lại cho Hoàng Trọng Cường là chủ cửa hàng điện thoại”.

Thượng úy Bùi Tuấn Anh – điều tra viên Công an huyện Như Xuân, cho biết: Các đối tượng nắm bắt được một số ngân hàng ở Việt Nam cho phép đăng ký mở tài khoản thẻ tín dụng online nên chúng chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook, tư vấn mở thẻ rồi chiếm đoạt tài sản. Sở dĩ, bọn chúng chọn mua các sản phẩm cao cấp của Apple (iPhone, iPad, Macbook…) là vì sau khi bán lại sản phẩm này, chiết khấu sẽ rất thấp (không bị mất giá), Thượng úy Bùi Tuấn Anh cho biết thêm.

Lừa đảo trên không gian mạng: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới -0
                                           2 đối tượng cầm đầu Ngụy Phan Kiên và Trần Hoàng Minh.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Anh – Phó Trưởng Công an huyện Như Xuân thì đây là đường dây lừa đảo lớn, chia ra nhiều giai đoạn, các giai đoạn riêng biệt nhau, các đối tượng chỉ gặp qua mạng xã hội, hầu hết không biết nhau. Bọn chúng sử dụng mạng xã hội, phần mềm gọi điện, phầm mềm giả địa chỉ IP, toàn bộ ở nước ngoài, công đoạn cuối cùng để “rửa tiền” thì đều ở Việt Nam.

Đến nay, Công an huyện Như Xuân đã điều tra, làm rõ đường dây trên có hơn 20 đối tượng tham gia, do Ngụy Phan Kiên và Trần Hoàng Minh cầm đầu. Trong đó có 3 đối tượng thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; 1 đối tượng thực hiện hành lừa đảo và 18 đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền. Hiện còn nhiều đối tượng đang lẩn trốn tại Campuchia, Cơ quan điều tra đang tích cực truy bắt nhằm vụ phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, từ tháng 4/2024 đến cuối tháng 6, nhóm các đối tượng này đã thực hiện hành vi chiếm đoạt và rửa số tiền trên 74 tỷ đồng. Công an huyện Như Xuân đã thu giữ 35 điện thoại, 1 máy tính, 2 xe ô tô, toàn bộ phần mềm gọi điện lừa đảo của các đối tượng với 12 đầu số điện thoại ảo, hơn 7.847 cuộc gọi lừa lấy thông tin để chiếm đoạt tài sản.

Hiện Công an huyện Như Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và rửa tiền”; tiếp tục truy bắt số đối tượng đang lẩn trốn tại Campuchia.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, không dễ tin vào các hướng dẫn quảng cáo, nhất là mua bán trên mạng Internet. Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã đánh vào tâm lý muốn nhanh, không mất thời gian chờ đợi của nhiều người dân để lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Mỗi người dân cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, phải kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Hiện nay, các xã, phường, thị trấn đều có công an chính quy thường trực, do đó khi cảm thấy băn khoăn về vấn đề gì, người dân đều có thể đến Cơ quan công an để được hướng dẫn, trợ giúp.

Theo số liệu thống kê của Đội Cảnh sát phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ ngày 1/4/2024 đến nay, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, công an các đơn vị trên địa bàn đã phòng ngừa trên 1.230 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng… Con số trên cho thấy, tội phạm liên quan đến công nghệ cao là loại tội phạm mới nhưng có diễn biến hết sức phức tạp, trong đó nổi lên chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguồn : antg.cand.com.vn

Trên đây là tổng hợp Lừa đảo trên không gian mạng: Chiêu trò cũ, nạn nhân mới. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục