Lộ diện các chiêu thức lừa đảo lấy tiền trong tài khoản ngân hàng
Không chỉ lừa tuyển cộng tác viên, những kẻ lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải ngân, trả góp, rút tiền mặt, nâng hạn mức thẻ tín dụng, hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí.
Tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử, mời vay vốn lãi suất hấp dẫn, hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng hay hỗ trợ nâng cấp chuyển đổi sim điện thoại 4G/5G… là những chiêu thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản mà các ngân hàng liên tục cảnh báo thời gian gần đây.
Nhiều chiêu thức lừa đảo
Theo Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), một trong những chiêu thức lừa đảo phổ biến hiện nay, đặc biệt dịp Tết cận kề khi nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao là tuyển cộng tác viên “đặt đơn hàng ảo nhưng chuyển khoản thật.”
Các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… đăng tuyển cộng tác viên với lời mời chào: Sau khi đặt mua các đơn hàng ảo và chuyển khoản thanh toán thành công sẽ được nhận lại tiền gốc cộng hoa hồng từ 10-20%.
Các đơn hàng đầu tiên thường trị giá nhỏ từ 1-2 triệu đồng. Cộng tác viên sau khi chuyển khoản đều được đối tượng thông báo nhiệm vụ thành công và chuyển trả đầy đủ tiền gốc cộng thêm hoa hồng như cam kết để lấy lòng tin.
Tiếp đó, đối tượng gửi nhiệm vụ lớn hơn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng rồi báo lỗi và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khác, đủ điều kiện mới được hoàn lại tất cả các đơn bị lỗi trước đó.
Không chỉ lừa tuyển cộng tác viên, đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải ngân, trả góp, rút tiền mặt, nâng hạn mức thẻ tín dụng, hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí.
Các chiêu thức mạo danh này dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng không ít khách hàng vẫn sập bẫy.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết kẻ gian thường mạo danh ngân hàng, lập tài khoản trên mạng xã hội và các nền tảng số như Zalo, Facebook, Instagram, thư điện tử… có sử dụng logo, hình ảnh phòng giao dịch, nhân viên ngân hàng, giả mạo các dấu tích xanh, tích cam (yếu tố xác thực trên các nền tảng số) hoặc đầu số điện thoại 1900**** giống như tổng đài. Đồng thời, sử dụng các tài khoản này liên hệ với khách hàng để giới thiệu các gói vay vốn hấp dẫn hoặc cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng.
Công thức chung của các chiêu thức này thường là sau khi tiếp cận, tư vấn, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng đóng trước một khoản tiền gọi là phí để giải ngân khoản vay, tiền xóa nợ xấu hay phí hồ sơ để hoàn tất thủ tục… Khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo lập tức chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối với khách hàng có nhu cầu trả góp qua thẻ tín dụng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng…, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, mã xác thực một lần OTP để hoàn tất thủ tục.
Nếu khách hàng cung cấp mã số này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
Tương tự, đối với sim điện thoại, các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên mạng viễn thông liên hệ đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí thông qua điện thoại, tin nhắn và hướng dẫn cú pháp chuyển đổi. Khách hàng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.
Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập và sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản, thẻ ngân hàng có liên kết ví điện tử của khách hàng.
Khách hàng bị chiếm đoạt SIM điện thoại đối mặt với nguy cơ cao sẽ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
[Cảnh báo chiêu trò giả mạo Brandname ngân hàng để chiếm đoạt tài sản]
Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… đã cảnh báo về tình trạng lừa đảo gửi tin nhắn SMS giả mạo thương hiệu ngân hàng, giả mạo cuộc gọi từ các cơ quan điều tra, công ty chuyển phát nhanh hay mạo danh người thân nhắn tin vay mượn tiền, nhận tiền từ nước ngoài…
Đặc điểm chung là các tin nhắn hoặc cuộc gọi mạo danh này thường đi kèm với một đường liên kết (link) giả mạo có các ký tự gần giống website chính thức của các ngân hàng, dễ gây hiểu lầm và dụ khách hàng đăng nhập bằng tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, OTP.
Sau khi khách hàng nhấn vào đường link giả mạo, nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP xác thực, đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác.
Cảnh giác bảo vệ thông tin cá nhân
Trước những chiêu thức lừa đảo liên tục thay đổi khó lường, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, chủ động quản lý thông tin, sử dụng tài khoản và thẻ ngân hàng một cách an toàn.
Cụ thể, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, mã CVV (mã số in phía sau thẻ tín dụng), ví điện tử và mã OTP cho ai dưới bất cứ hình thức nào. Không cung cấp hình ảnh 2 mặt chứng minh thư, căn cước công dân, giấy tờ tùy thân cho ai qua Facebook, Zalo.
Bên cạnh đó, khách hàng cần sử dụng các ứng dụng xác thực qua tin nhắn điện thoại SMS, Smart OTP hoặc các phương thức bảo mật 2 lớp. Đồng thời, chủ động bảo quản các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính sử dụng dịch vụ Internet banking, mobile banking…; không nên đăng nhập tài khoản ngân hàng điện tử tại các thiết bị lạ, thiết bị của người khác.
Cẩn trọng trước các lời mời chào hấp dẫn, kiếm tiền, vay tiền đơn giản, nhanh chóng; gọi điện thoại xác thực lại với người thân khi nhận được tin nhắn qua Zalo, Facebook nhờ mua thẻ điện thoại hoặc chuyển khoản.
Đặc biệt, các ngân hàng đồng loạt khuyến cáo khách hàng không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân, mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng… để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật gồm nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; chuyển nhận tiền đánh bạc; tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Khi có bất cứ nghi vấn liên quan đến hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản, khách hàng liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ngân hàng để được trợ giúp,” Vietcombank khuyến cáo.
Ngoài ra, khi có nghi ngờ đường link hay website giả mạo, tài khoản lừa đảo, người dùng có thể tra cứu qua tính năng Tra cứu trên hệ thống tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) do Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) cung cấp.
Danh sách các tài khoản và website được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Đây cũng là địa chỉ để người dùng báo cáo các website, tài khoản lừa đảo. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ kiểm tra, xác thực rồi được duyệt và hiển thị trên giao diện tra cứu tài khoản.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dùng lưu ý website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.
Khi nhận được các tin nhắn cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vàng trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn./.
Trên đây là tổng hợp Lộ diện các chiêu thức lừa đảo lấy tiền trong tài khoản ngân hàng. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.