Chuyện buồn khi lật mặt các bẫy lừa đảo tài chính
Khác với những bài viết khác khi có nhiều người đọc, nhiều người quan tâm, bình luận, lẽ ra tác giả phải vui mới phải, nhưng lần này tôi không khỏi buồn, xót xa, vì số nạn nhân quá nhiều. Tôi – với tư cách là tác giả – là phóng viên của một cơ quan báo chí trong lực lượng vũ trang, khi có thông tin bạn đọc, đã lần lượt liên hệ lại, vừa thể hiện sự tôn trọng bạn đọc, vừa là tìm hiểu thông tin, cũng như chia sẻ và góp phần cảnh báo thêm cho họ.
Câu chuyện của họ khiến tôi vừa thương vừa giận. Số nạn nhân của nạn lừa đảo tài chính, chỉ qua vài vụ việc mà tôi biết được, đã lên tới hàng vài ba trăm người, trong đó có rất nhiều hoàn cảnh tội nghiệp. Chị Nguyễn Thị Nguyệt H. – một bà mẹ “bỉm sữa” đến từ Bình Dương khi tôi gọi điện đề cập vấn đề, đã vội vã hẹn gọi lại sau và tắt máy. Hóa ra, khi đó H. đang ngồi cạnh chồng và gia đình nhà chồng nên không dám chia sẻ, vì chị vẫn đang giấu gia đình. Phải đến hôm sau chị mới dám gọi lại, vừa chia sẻ câu chuyện, vừa khóc nức nở. Chị H cho biết, do dịch bệnh không có việc làm, lại ở nhà nuôi con nhỏ nên khi đọc được quảng cáo “kiếm tiền online tại nhà mùa dịch”, chị đã vội vã bấm vào đường dẫn. Ngay lập tức, xuất hiện 1 tài khoản Zalo chủ động “inbox” và hướng dẫn cách tham gia vào một “sàn giao dịch chứng khoán” online, yêu cầu nạp 500.000 đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng. Chỉ trong lượt chơi đầu, H. đã “thắng” hơn 300.000 đồng, một số lãi quá lớn so với vốn bỏ ra. Số tiền lời này ngay lập tức được chuyển thẳng vào tài khoản của H. khiến chị vô cùng tin tưởng và tiếp tục nạp tiền vào chơi. Các lần sau đó, các đối tượng yêu cầu chị để lại tiền trong tài khoản để chơi tiếp, gia tăng lợi nhuận. Sau đó, hàng loạt đối tượng tự xưng là “thầy”, “cô” lại tiếp tục dẫn dụ H. tham gia các dự án, cam kết bảo hiểm 100% và không có rủi ro.
Không có tiền nhưng vì số lợi nhuận các đối tượng đưa ra quá hấp dẫn, H. đã đi vay người quen để đầu tư số tiền 35 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, thấy “con mồi” cả tin, bọn lừa đảo liên tục các lý do như dữ liệu bị lỗi, tài khoản lỗi… để dụ H. nạp thêm tiền vào tài khoản. Khi tài khoản thông báo thắng gần 500 triệu đồng/vốn đầu tư 55 triệu đồng, H. mừng rơi nước mắt. Ngay lập tức, có người gọi điện yêu cầu H. tiếp tục nạp gần 50 triệu đồng, là số tiền phí 10% để có thể rút được toàn bộ cả gốc lẫn lãi về. Nghĩ đến khoản lợi nhuận kếch xù, gấp 10 lần vốn bỏ ra, cô “cắn răng” vay lãi ngoài để với mong muốn có thể nhanh chóng rút tiền về trả nợ. Nhưng các đối tượng lừa đảo lại tiếp tục viện lý do thao tác rút tiền lỗi, đóng phí rút nhanh để yêu cầu H. tiếp tục chuyển thêm tiền. Cho đến khi tỉnh ngộ thì tổng số tiền mà H. chuyển cho bọn lừa đảo đã lên tới hơn 150 triệu đồng, toàn bộ là tiền đi vay, và cũng là lúc toàn bộ các liên lạc với các tài khoản Zalo lừa đảo đều biến mất không tăm hơi. Trong câu chuyện của mình, H. liên tục khóc và cho biết nếu chồng và gia đình chồng biết được thì không biết sẽ ra sao, vì số tiền trên là quá lớn so với hoàn cảnh gia đình mình.
Một nạn nhân khác cũng khiến tôi không khỏi thương cảm là Nguyễn Đức A. (Hòa Bình). Đang cần tiền chữa bệnh cho mẹ nên khi đọc quảng cáo về dịch vụ cho vay tiền online, A. đã tải ứng dụng, đăng ký vay khoản tiền 50 triệu đồng và lập tức nhận được thông báo số tiền đã được giải ngân vào tài khoản ứng dụng. Nhưng khi A. thao tác rút tiền về tài khoản ngân hàng thì “app” (ứng dụng) lại báo “lỗi tài khoản”. Cũng với các chiêu yêu cầu nộp phí đảm bảo tài khoản, sửa số tài khoản, khắc phục tình trạng tài khoản bị “treo”, rút tiền quá hạn mức…, các đối tượng liên tục dụ A. chuyển thêm tiền vào tài khoản của bọn chúng. “Đâm lao thì phải theo lao”, chỉ vì muốn vay 50 triệu đồng, mà A. phải “cắm” xe máy, vay lãi ngoài… số tiền hơn 70 triệu đồng để chuyển cho bọn chúng. Câu chuyện của A. khiến tôi nhói lòng, vì tiền đưa mẹ đi viện không có, giờ lại gánh thêm khoản nợ lớn.
Tự nâng cao kiến thức, tinh thần cảnh giác
Có thể nói, do trình độ dân trí và hiểu biết về tài chính của nhiều người dân còn thấp, nên từ lâu, Việt Nam đã trở thành “vùng trũng” của tội phạm công nghệ, tội phạm tài chính. Nạn lừa đảo này ngày càng bùng nổ vào năm 2021 – 2022, là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương phải cách ly, phong tỏa, kinh tế người dân khó khăn. Nhiều người phải lên các mạng xã hội để tìm việc làm, vay tiền online, tìm kiếm các kênh đầu tư… Và lợi dụng điều này, tội phạm đã nghĩ ra nhiều chiêu lừa đảo vô cùng tinh vi.
Ngoài những chiêu cũ như “hack” tài khoản Facebook, Zalo để vay tiền; cuộc gọi lừa đảo (dọa nạn nhân vi phạm giao thông, liên quan đến đường dây tội phạm…) để lừa chuyển tiền; lừa đảo tình cảm (giả mạo người nước ngoài để tán tỉnh, tặng quà, nhờ đứng tên tài sản…) thì hàng loạt thủ đoạn mới mùa dịch cũng xuất hiện. Có thể kể đến như: mời kiếm tiền online (nghe nhạc, xem video để kiếm tiền, tuyển cộng tác viên bán hàng cho các trang thương mại điện tử, siêu thị…), mời vay tiền online, mở thẻ tín dụng, dụ đầu tư ngoại hối, đầu tư chứng khoán quốc tế, lập hội nhóm chứng khoán để dụ người chơi nộp tiền đầu tư, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, bán phòng khách sạn, tour du lịch giá rẻ… Ngoài ra, tội phạm sử dụng rất nhiều công nghệ cao để lừa chuyển tiền hoặc chiếm tiền trong tài khoản khách hàng, như: giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng (giả SMS Brandname), sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người bị giả mạo)…
Qua tìm hiểu chỉ một vài vụ việc, số nạn nhân đã lên tới hàng trăm người. Đa số các nạn nhân bị lừa ở các vùng nông thôn, số tiền bị lừa chỉ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng nhưng đủ để đẩy họ vào tình cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất. Bởi vì tất cả họ, đều là những người đang vô cùng khó khăn, không có việc làm, thiếu tiền mới phải tìm đến dịch vụ vay tiền hay tìm việc làm trên mạng xã hội, nhưng cuối cùng lại bị mất tiền thêm do thiếu hiểu biết và cả tin.
Nhiều người dốc toàn bộ tiền của mình, vay họ hàng, vay “tín dụng đen” lãi suất cả chục phần trăm mỗi ngày để đầu tư. Đã có người tan nát gia đình vì nợ nần, có người rủ họ hàng cùng tham gia dẫn đến tình cảm sứt mẻ… Nhìn chung, mỗi câu chuyện là mỗi hoàn cảnh đáng thương khác nhau, nhưng điểm chung đều là thiếu hiểu biết, cả tin đến khó hiểu, và có cả lòng tham làm mờ mắt.
Với những trường hợp trên, hy vọng cuối cùng của họ là viết đơn trình báo cơ quan Công an, nhưng thực tế, hy vọng cũng rất mong manh. Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ công an từng tham gia các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao cho biết, dù cơ quan Công an nỗ lực điều tra, phá án cũng như tích cực tuyên truyền biện pháp phòng ngừa tới đông đảo người dân; rất nhiều đường dây lừa đảo online lớn đã bị triệt phá với hàng trăm đối tượng bị khởi tố song hiện nay, số nạn nhân của tội phạm công nghệ, lừa đảo tài chính là rất nhiều.
Dù các nạn nhân trình báo rõ số điện thoại, tài khoản nhận tiền nhưng cơ quan Công an vẫn khó truy ra kẻ đứng sau, bởi vì tất cả các đối tượng đều sử dụng số điện thoại “rác”, tài khoản ngân hàng được thuê, mua chứ không phải tài khoản chính chủ… Hơn nữa, đây đều là tội phạm có tổ chức. Trong nhiều vụ án, các đối tượng thuê, ép người Việt tham gia các đường dây lừa đảo, nhưng thuê địa điểm hoạt động tại nước ngoài, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá…
Do vậy, mỗi người dân cần tự nâng cao kiến thức công nghệ, kiến thức tài chính để bảo vệ bản thân trước các thủ đoạn lừa đảo. Tuyệt đối không tin những lời mời gọi kiếm tiền quá dễ dàng, đầu tư lợi nhuận cao, không chuyển khoản đặt cọc cho các đối tượng lạ, không bấm vào các đường “link” lạ, không để lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, không chuyển khoản cho số tài khoản lạ mà chưa xác minh kỹ…
Hà Loan
Nguồn: anninhthudo.vn
Trên đây là tổng hợp Chuyện buồn khi lật mặt các bẫy lừa đảo tài chính. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.