Tin tức

Cẩn thận với các “thánh nổ” lừa đảo

Bằng thủ đoạn giới thiệu bản thân quen biết với lãnh đạo cấp cao, có mối quan hệ rộng, các đối tượng đã lừa đảo nhiều người với số tiền rất lớn.

Mất tiền oan vì tin “thánh nổ”

Đầu tháng 8, lực lượng công an tỉnh Đắk Nông đã liên tiếp khởi tố, bắt giam các đối tượng lừa tiền người dân bằng cách tự giới thiệu mình quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao, có thể xin được dự án, chạy được án.

lua-dao-1.png
Đồ họa P.V

Trong vụ chạy dự án, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt một nghi can. Đối tượng bị bắt trú huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Theo kết quả điều tra của công an, có hai đối tượng quen biết giám đốc một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hai đối tượng đã giới thiệu với ông giám đốc rằng, cả hai có nhiều mối quan hệ thân thiết với các quan chức cấp cao ở Hà Nội. Do đó, cả hai có thể xin cho ông giám đốc nhận thi công trụ sở mới của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Nô.

Tin tưởng điều này, ông giám đốc công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã chuyển cho các đối tượng tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng theo yêu cầu để được thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, hai đối tượng không thực hiện được như cam kết. Năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt giam một đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đến nay thực hiện bắt đối tượng còn lại.

hinh-1-.jpg
Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Nô thi hành lệnh bắt tạm giam đối với một đối tượng “nổ” quen với lãnh đạo cấp cao để lừa đảo

Cũng với chiêu trò quen biết với nhiều lãnh đạo cấp cao có thể chạy án, một đối tượng trú tại xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định đã lừa một nạn nhân trú huyện Krông Nô hàng trăm triệu đồng.

Nạn nhân liên quan đến một vụ án kinh tế và đã bị TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 10 năm tù giam. Nạn nhân đã gửi đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh. Giữa năm 2022, qua mối quan hệ xã hội, nạn nhân gặp và quen biết với đối tượng lừa đảo. Đối tượng nói với nạn nhân là mình có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao, có thể giúp nạn nhân kêu oan nhưng phải mất một ít chi phí.

Tin tưởng, nạn nhân nhiều lần chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo tổng cộng là 490 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, đối tượng không lo được việc như đã hứa mà sử dụng vào việc sửa chữa nhà, trả nợ, tiêu xài cá nhân.

Đến ngày TAND cấp cao chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án, nạn nhân nhiều lần liên lạc nhưng đối tượng không nghe máy và không trả lời tin nhắn. Khi TAND cấp cao xét xử và giữ y án phạt 10 năm tù giam đối thì nạn nhân đã làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng. Công an huyện Krông Nô đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng trên để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cảnh giác trước thủ đoạn xấu

Không chỉ chạy dự án, chạy án, bằng thủ đoạn tự “nổ” mình có mối quan hệ rộng, nhiều đối tượng còn lừa chạy việc. Khi nhận tiền của các nạn nhân, những đối tượng lừa đảo đều chiếm đoạt và không thực hiện những điều đã cam kết.

Những năm qua, tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện xét xử nhiều vụ án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến chạy việc.

Điểm chung của các vụ án là các đối tượng đã lợi dụng sự cả tin, nóng vội muốn xin được việc cho con em vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước của người dân. Từ đó, các đối tượng thực hiện thủ đoạn quen biết với lãnh đạo, hứa hẹn xin việc giúp với chi phí lo lót hàng trăm triệu đồng.

lua-dao.png
Đồ họa P.V

Theo ngành chức năng, thành phần đối tượng lừa chạy việc hiện nay tương đối đa dạng, phức tạp. Ngoài một số người không có công việc ổn định “nổ” mình là cán bộ của các sở, ban, ngành thì hiện nay một số người đang là cán bộ, công chức đang tại vị cũng tham gia chạy việc làm. Khi việc không có, tiền cũng không trả lại, nạn nhân tố cáo đến cơ quan chức năng thì sự việc mới vỡ lở.

Thủ đoạn của các đối tượng “nổ” là cán bộ để lừa chạy việc ngày càng đa dạng, phức tạp và vô cùng tinh vi, kín kẽ, khiến nạn nhân không hề nghi ngờ. Trong đó, tình trạng giả danh sĩ quan quân đội, công an để lừa đảo chiếm tỉ lệ lớn, vì đối tượng khai thác triệt để vào uy tín, sự tin tưởng của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an để tạo dựng lòng tin.

Sở dĩ tội phạm lừa đảo nhằm vào các chiêu trò chạy việc một phần cũng do nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Một cách kiểm chứng đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà ai cũng có thể làm được để tìm hiểu xem thực hư việc tuyển dụng có thật hay không là liên hệ trực tiếp các cơ quan, đơn vị mà các đối tượng đang hứa hẹn có thể xin được việc làm để xác minh thông tin.

Theo cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng trong các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mà cụ thể là trong các vụ án liên quan đến chạy việc, dù có nhiều mánh khóe khác nhau song thủ đoạn vẫn là chiêu trò cũ, dù vậy vẫn nhiều nạn nhân mới sập bẫy. Để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này, trước hết người dân muốn xin việc làm cho con em mình thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm.

Cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của những đối tượng xấu. Khi nhận biết có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần sớm trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

P.V

Nguồn: baodaknong.vn

 

Trên đây là tổng hợp Cẩn thận với các “thánh nổ” lừa đảo. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục