Hôn nhân gia đình

Điều kiện ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình

Điều kiện ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình

Hiện nay, bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ, chồng có ý định ly hôn. Vậy khi bị bạo lực gia đình có thể yêu cầu ly hôn đơn phương được không?

Câu hỏi: Bố mình có hành vi đánh đập, chửi rủa thậm tệ mẹ mình. Vậy hành vi bạo lực gia đình ở mức độ nào thì có thể ly hôn đơn phương và xử lý người xúc phạm danh dự nhân phẩm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tinh thần người khác trong một thời gian dài theo luật thế nào?
Mình biết là để làm được hai điều trên thì cần có bằng chứng, vậy có những cách nào để thu thập bằng chứng? Mình cảm ơn.

LuatVietnam trả lời bạn như sau:

1/ Về việc ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và Tòa án giải quyết nếu có căn cứ khiến tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Trong đó, khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ, căn cứ để Tòa án giải quyết khi có yêu cầu ly hôn đơn phương là:

– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;

– Vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ, chồng.

Về trường hợp của bạn, bố bạn thường xuyên đánh đập, chửi rủa thậm tệ mẹ bạn thì trước hết có thể coi là vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng. Bởi theo khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình:

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Không chỉ vậy, theo điểm a.1 khoản a Điều 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, được coi là tình trạng vợ chồng trầm trọng khi:

Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

Mà bạo lực gia đình theo Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 gồm các hành vi:

– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

– Cưỡng ép quan hệ tình dục;

– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở…

Căn cứ các quy định trên, bạo lực gia đình hoàn toàn có thể trở thành lý do khiến cuộc hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được và cũng là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn cho cha, mẹ bạn khi mẹ bạn gửi đơn ly hôn đơn phương.

Tuy nhiên, để chắc chắn được Tòa án thụ lý và giải quyết thì mẹ bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ bằng chứng của việc bạo lực gia đình thông qua các cách sau đây:

– Chụp ảnh, quay video… hành vi đánh đập, vũ phu của cha bạn đối với mẹ bạn. Để thực hiện được có thể lắp đặt camera trong nhà;

– Xin xác nhận của bệnh viện về việc điều trị chấn thương do bị đánh đập mà có;

– Nếu trước đó, khi xảy ra bạo lực gia đình, cha bạn bị xử phạt hành chính hoặc cha, mẹ bạn đã được cơ sở hòa giải thì có thể cung cấp quyết định xử phạt hành chính hoặc biên bản hòa giải…

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 7 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được.

Do đó, có nhiều cách để thu thập bằng chứng của hành vi bạo lực gia đình. Bạn xem xét tình huống thực tế của cha mẹ bạn để áp dụng biện pháp hợp lý, thuận tiện nhất khi mẹ bạn yêu cầu ly hôn đơn phương.

ly hon don phuong khi bi bao luc gia dinh
Làm gì để ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình? (Ảnh minh họa)

2/ Người có hành vi bạo lực gia đình bị xử lý thế nào?

Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, danh dự, nhân phẩm của một người được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó, nếu người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử lý như sau:

Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì bị phạt tiền:

  • Từ 100.000 – 300.000 đồng: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (điểm a khoản 1 Điều 5);
  • Từ 500.000 – 01 triệu đồng: Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (khoản 1 Điều 51);
  • Từ 01 – 1,5 triệu đồng: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình hoặc sử dụng các phương tiện thông tin hoặc phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân (khoản 2 Điều 51).

Không chỉ vậy, nếu lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm, danh dự của cá nhân thì theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2002/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.

Bồi thường thiệt hại

Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường: Chi phí khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị xúc phạm (tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở).

Chịu trách nhiệm hình sự

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, tối đa đến 05 năm tù theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Trên đây là tổng hợp Điều kiện ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục