Lao động

Những điều cần biết trước khi đề nghị sếp tăng lương

Những điều cần biết trước khi đề nghị sếp tăng lương

Tăng lương luôn là mong muốn của nhiều người lao động khi đi làm. Tuy nhiên trước khi đề nghị người sử dụng lao động hay còn gọi là “sếp” tăng lương, người lao động cần biết những điều sau đây để lựa chọn thời điểm tăng lương cho hiệu quả.

1/ Lương được trả theo năng suất lao động và chất lượng công việc

Theo Điều 90 của Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Bộ luật Lao động mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, do đó, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về khái niệm tiền lương. Tuy nhiên, tiền lương theo quy định mới không có sự thay đổi so với BLLĐ năm 2012 nên có thể dựa trên Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP  để giải thích về tiền lương như sau:

Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

Theo đó, người sử dụng lao động sẽ dựa vào lương thỏa thuận trong hợp đồng cùng với năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc để xem xét trả cho người lao động mức lương tương xứng.

Như vậy, trước khi đề nghị người sử dụng lao động tăng lương, người lao động cần xác định xem liệu mức lương mình đang hưởng có thỏa đáng với công sức lao động mà mình đã bỏ ra hay chưa. Nếu lương được trả chưa xứng đáng với những gì mình cống hiến, người lao động có thể đề xuất tăng lương.

Xem thêm: Lương, thưởng Tết Dương lịch 2021: Người lao động cần biết

3 điều cần biết trước khi đề nghị sếp tăng lương

3 lưu ý trước khi đề nghị tăng lương mà người lao động cần biết (Ảnh minh họa)

2/ Xem xét chế độ nâng bậc, nâng lương trong hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động chính là căn cứ xác lập quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động đó là chế độ nâng bậc, nâng lương (điểm e khoản 1 Điều 21 BLLĐ 2019).
Bên cạnh đó, Điều 103 BLLĐ năm 2019 cũng quy định:

Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Do đó, các bên có quyền thỏa thuận về điều kiện, thời gian, mức tiền lương sau khi nâng bậc, nâng lương trong hợp đồng lao động hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Như vậy, trường hợp các bên có thỏa thuận cụ thể về chế độ nâng bậc, nâng lương nêu trong hợp đồng, người lao động phải căn cứ vào nội dung ghi trong hợp đồng lao động để xem mình đã đủ điều kiện để nâng bậc, nâng lương hay chưa. Nếu đủ điều kiện thì người lao động có thể đề nghị tăng lương.Mặt khác, các bên lựa chọn thực hiện chế độ nâng lương theo quy định của người sử dụng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể thì người lao động cần tìm hiểu rõ về tiêu chuẩn nâng bậc, nâng lương theo quy chế của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể. Nếu đạt, người lao động có thể chủ động đề nghị người sử dụng lao động tăng lương.

Xem thêm: Đề xuất mới về nội dung phải có trong hợp đồng lao động từ 2021

 

3/ Quy định về lương tối thiểu vùng

Theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Hiện nay, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được thực hiện từ ngày 01/01/2020 như sau:

Mức lương tối thiểu vùng

Áp dụng với doanh nghiệp thuộc:

4.420.000 đồng/tháng

Vùng I

3.920.000 đồng/tháng

Vùng II

3.430.000 đồng/tháng

Vùng III

3.070.000 đồng/tháng

Vùng IV

Để biết địa phương nơi doanh nghiệp mình đang làm thuộc vùng nào, người lao động có thể tham khảo Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng năm 2020 trên cả nước.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 5 Nghị định 90/2019, mức lương trả cho người lao động trong điều kiện lao động bình thường phải bảo đảm:- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Theo đó, người lao động làm công việc yêu cầu phải qua học nghề, đào tạo nghề phải được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

Như vậy, người lao động nên đối chiếu mức lương hiện được trả với mức lương tối thiểu theo quy định trên. Nếu thấy mức lương của mình chưa thỏa đáng, người lao động có thể đề xuất yêu cầu tăng lương với người sử dụng lao động.

Trên đây là tổng hợp Những điều cần biết trước khi đề nghị sếp tăng lương. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục