Tin tức

Tín dụng đen bủa vây công nhân, người lao động Kỳ 2: Truy quét tín dụng đen

Hoạt động tín dụng đen đã xuất hiện khắp nơi trên địa bàn tỉnh, từ thành thị đến vùng miền núi xa xôi, với nhiều hình thức tinh vi. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen dưới vỏ bọc là các công ty tài chính, công nghệ, ứng dụng app cho vay… hòng che mắt lực lượng chức năng.

Cần là có, thủ tục đơn giản
Dạo quanh một số tuyến đường chính ở TP.Quảng Ngãi, trung tâm các huyện, thị xã; các khu công nghiệp, khu trọ công nhân… đâu đâu cũng thấy những hình ảnh tờ rơi với nội dung “cho vay tiền nhanh, vay tiền lấy liền, vay tiền chỉ 15 phút…” được dán dày đặc trên các trụ điện. Khi đọc những thông tin quảng cáo này, những công nhân, người lao động đang cần tiền xử lý công việc của gia đình hoặc đầu tư làm ăn thì rất dễ sa lưới bẫy tín dụng đen.
Các đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã nắm bắt được tâm lý nhiều khách hàng, nhất là công nhân, người lao động muốn vay với thủ tục đơn giản, cho vay nhanh gọn nên lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin để cho vay tiền với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Trường hợp chậm trả nợ sẽ bị phạt với mức lãi suất cao gấp đôi, khiến nhiều người vay không thể nào trả hết được nợ, dẫn đến phải thế chấp tài sản, nhà cửa để trả nợ.
Với người vay, do đang gặp khó khăn, cần tiền gấp nên thường không đọc kỹ hợp đồng, bỏ qua những cảnh báo nguy hiểm. Vì thế, nhiều trường hợp sau khi vay không có khả năng trả nợ, bị các đối tượng cho vay “khủng bố”, đe dọa, giam lỏng, cưỡng đoạt tài sản thì mới hay rằng mình bị lừa.
Thời gian qua, lực lượng công an liên tục bắt các đối tượng cho vay nặng lãi. Ảnh TL.
Thời gian qua, lực lượng công an liên tục bắt các đối tượng cho vay nặng lãi. Ảnh TL.
Một số ứng dụng cho vay qua app còn được thiết kế để truy cập vào danh bạ điện thoại, các thông tin, hình ảnh, tài khoản trên mạng xã hội của người vay. Khi người vay không trả được nợ thì người thân hoặc bất cứ người nào có số điện thoại được lưu trong danh bạ điện thoại của người vay đều có thể bị người cho vay gọi điện, nhắn tin đòi nợ theo kiểu “khủng bố” tinh thần.
Lật tẩy nhiều vụ cho vay nặng lãi
Thiếu tá Trần Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết, ngoài các hình thức cho vay truyền thống, các đối tượng hoạt động tín dụng đen còn thường xuyên dụ dỗ, lôi kéo vay tiền trực tiếp, qua app, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay với lãi suất cao bất thường, có nơi lãi suất lên tới 90% – 100%/năm, thậm chí lên tới 700 – 1.000%/năm.
Đáng lo ngại là, khi người vay không trả nợ đúng hạn, các đối tượng cho vay sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM… Không ít đối tượng cho vay nặng lãi có tiền án về tội “giết người”, nên lợi dụng sự bất hảo của mình để đe dọa, “khủng bố” người vay trả nợ nên nhiều người sa vào bẫy tín dụng đen đành bán đất, bán nhà để trả nợ mà không dám trình báo lên cơ quan công an.
Đại úy Phan Thanh Vĩ, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Quảng Ngãi cho biết, mới đây, Công an TP.Quảng Ngãi liên tiếp bắt khẩn cấp 5 vụ cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Khi người vay chậm trả lãi đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn đe dọa, “khủng bố” khiến người vay phải bỏ trốn.
Trong năm 2022, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 21 vụ với 32 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen; khởi tố vụ án 15 vụ với 23 đối tượng; tiếp tục điều tra, xác minh 4 vụ với 5 đối tượng; khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng về tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật; khởi tố 2 vụ, 6 đối tượng cướp tài sản liên quan đến tín dụng đen.
Điển hình là đối tượng Lê Thiện Linh, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho vay với lãi suất 480%/năm, đối tượng Ngô Vũ Tường Vi và Nguyễn Thị Nhị cho vay với lãi suất 365%/năm, đối tượng Võ Thị Kim Ngân cho vay với lãi suất 320%/năm…
Hiện nay, các đối tượng hoạt động liên quan đến tín dụng đen lập các web chứa các thông tin giả mạo và tạo nhiều app cho vay khác nhau. Đối tượng sử dụng nhiều sim rác, tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện hình vi cho vay nặng lãi, gây khó khăn cho công tác xác minh hay công tác điều tra.
Thiếu tá Trần Thanh Tùng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên nghe các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo cho vay tiền với lãi suất thấp, nhưng thực tế khi đã vay thì lãi suất cao và phí vay rất cao, đặc biệt không nên vay tiền qua app trên mạng xã hội dẫn đến không có khả năng trả nợ bị các đối tượng đe dọa, “khủng bố”. Nếu có nhu cầu vay vốn cần đến các ngân hàng để được hỗ trợ, tránh rơi vào bẫy các đối tượng tín dụng đen. Người dân cần tố giác hành vi cho vay nặng lãi với lực lượng công an.
Giải pháp giúp công nhận, lao động thoát khỏi bẫy tín dụng đen
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nguyễn Phúc Nhân, hiện nay tình trạng tín dụng đen diễn ra rất phức tạp trong lực lượng công nhân, người lao động. Thời gian qua, tổ chức công đoàn và lực lượng công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng ngừa tín dụng đen trong lực lượng công nhân, người lao động.
Tuy nhiên, vì nhiều công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nên dễ vướng vào bẫy tín dụng đen vì các đối tượng này cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, giúp công nhân, người lao động giải quyết được khó khăn tức thì.
Hiện Liên đoàn lao động tỉnh có Qũy hỗ trợ công nhân lao động với nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận được nguồn vốn này chủ yếu là công chức, viên chức nhà nước, đối tượng công nhân, người lao động rất ít.
công nhân
Công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của Qũy hỗ trợ công nhân lao động. ẢNH ÁI KIỀU.

Công nhân, người lao động ít tiếp cận được nguồn vốn này là do nguồn vốn còn hạn chế, việc làm thường xuyên của họ thiếu ổn định. Hơn nữa, chưa có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào đứng bảo lãnh, cam kết hoàn trả nguồn vốn nếu công nhân của doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng cho vay.

Cũng theo ông Nguyễn Phúc Nhân, thời gian đến, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ thông qua các tổ chức công đoàn cũng như chủ doanh nghiệp để có giải pháp đảm bảo giúp công nhân, người lao động dễ tiếp cận với nguồn vốn của Qũy hỗ trợ hơn. Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ vốn và Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ dùng nguồn tích lũy để tăng nguồn vốn cho Qũy để tăng đối tượng cho vay.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho công nhân, người lao động để hiểu rõ hơn phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen, nhằm giúp công nhân cảnh giác, không sa vào bẫy của tín dụng đen.

Bài, ảnh: ÁI KIỀU – BÁ SƠN

Trên đây là tổng hợp Tín dụng đen bủa vây công nhân, người lao động Kỳ 2: Truy quét tín dụng đen. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục