Giao thông

Phân biệt biển cấm dừng – cấm đỗ xe và mức phạt vi phạm

Phân biệt biển cấm dừng – cấm đỗ xe và mức phạt vi phạm

Hẳn mọi người đều biết không được phép dừng, đỗ xe ở những nơi có biển cấm dừng, đỗ nhưng không phải ai cũng hiểu hết các loại biển báo dừng đỗ xe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc nhận biết chính xác các biển cấm dừng – cấm đỗ xe và mức phạt vi phạm.

1/ Dừng xe và đỗ xe có gì khác nhau?

Khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Cũng theo Điều này, khi dừng xe, tài xế không được tắt máy xe, không được rời khỏi vị trí lái, đồng thời phải bật đèn cảnh báo. Còn nếu đỗ xe, tài xế chỉ được phép rời khỏi xe sau khi thực hiện các biện pháp an toàn.

Lưu ý, tại một số nơi có biển cấm đỗ xe thì người lái vẫn được dừng xe, nhưng chỉ được dừng trong một khoảng thời gian ngắn. Còn tại các khu vực có biển báo cấm dừng đỗ xe thì tuyệt đối không được đỗ xe.

phan-biet-bien-bao-cam-dung-va-cam-do-xe

Phân biệt biển báo cấm dừng và cấm đỗ xe và mức phạt vi phạm (Ảnh minh họa)

2/ Nhận biết hình dáng và ý nghĩa các loại biển báo cấm dừng – cấm đỗ xe

Biển báo cấm dừng và đỗ xe

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT, biển báo cấm dừng và đỗ xe thuộc nhóm biển báo cấm có số hiệu P.130, được đặt tại các địa điểm cấm các phương tiện xe cơ giới dừng và đỗ xe.

Biển này có dạng hình tròn, nền màu xanh dương, viền biển báo được sơn màu đỏ. Biển báo cấm dừng và đỗ xe được chia thành 04 phần bởi 02 vạch kẻ chéo màu đỏ. Biển báo được làm từ vật liệu tôn mạ kẽm và có màn phản quang.Quy chuẩn 41:2019/BGTVT cũng quy định biển báo cấm dừng và đỗ xe có hiệu lực với tất cả các phương tiện xe cơ giới dừng và đỗ xe tại điểm có đặt biển báo, trừ các phương tiện được ưu tiên như: xe cứu hỏa, xe cứu thương,… làm nhiệm vụ (Điều 22 Luật Giao thông đường bộ).

Biển báo cấm đỗ xe

Căn cứ QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm đỗ xe được chia làm 03 loại biển báo con là biển báo 131a, 131b, 131c.

Đặc điểm chung của 03 biển này là đều có dạng hành tròn với nền màu xanh dương, có viền đỏ và được chia làm hai phần bằng 01 đường kẻ từ góc trên bên trái xuống góc dưới bên phải. So với biển báo P.131a, biển báo P.131b có thêm 01 vạch trắng, biển báo P.131c có thêm 02 vạch trắng được kẻ dọc từ trên xuống dưới.

Biển báo số hiệu P.131a

Biển này có ý nghĩa: Nghiêm cấm các phương tiện giao thông đỗ xe ở đoạn đường có lắp đặt biển báo này, ngoại trừ phương tiện ưu tiên kể trên.

Biển báo số hiệu P.131b

Ý nghĩa của biến cấm đỗ xe P.131b là cấm đỗ xe ngày lẻ của tháng, ngoại trừ phương tiện ưu tiên. Bên dưới cột sẽ có bảng chú thích cấm đỗ xe ngày lẻ.

Biển báo số hiệu P.131c

Biển báo P.131c nghiêm cấm tất cả các phương tiện giao thông đỗ xe tại con đường có lắp đặt biển báo này trong các ngày chẵn của tháng, trừ các phương tiện được ưu tiên. Bên dưới cột sẽ có bảng chú thích cấm đỗ xe ngày chẵn.

3/ Dừng, đỗ xe tại nơi có biển cấm dừng, đỗ bị phạt bao nhiêu?

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi dừng, đỗ xe tại nơi có biển báo “Cấm dừng xe và đỗ xe” và biển báo “Cấm đỗ xe” được quy định như sau:

Phương tiện

Hành vi

Mức phạt

Ô tô

– Dừng xe nơi có biển Cấm dừng xe và đỗ xe.

(Điểm h khoản 2 Điều 5)

400.000 – 600.000 đồng

– Đỗ xe nơi có biển Cấm đỗ xe hoặc biển Cấm dừng xe và đỗ xe.

(Điểm e khoản 3 Điều 5)

800.000 – 01 triệu đồng

Xe máy

– Dừng xe nơi có biển Cấm dừng xe và đỗ xe;

– Đỗ xe tại nơi có biển Cấm đỗ xe hoặc biển Cấm dừng xe và đỗ xe.

(Điểm h khoản 2 Điều 6)

200.000 – 300.000 đồng

Trên đây là tổng hợp Phân biệt biển cấm dừng – cấm đỗ xe và mức phạt vi phạm. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục