Tin tức

Cảnh giác với các app tài chính

Khi lãi suất huy động đang rơi về vùng đáy thì những lời quảng cáo, mời gọi đầy hấp dẫn của nhiều tư vấn đầu tư, các ứng dụng (app) tài chính lại bùng nổ hút khách hàng gửi tiền theo hình thức hợp tác kinh doanh, góp vốn… Do không tìm hiểu kỹ, nhiều người đã phải lĩnh hậu quả.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin để gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng uy tín. Ảnh: Quang Vinh.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin để gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng uy tín. Ảnh: Quang Vinh.

Đầu tư từ tiền lẻ – đó là những lời quảng cáo mời gọi đầu tư đã được một số công ty tài chính đăng tải lên mạng. Vào năm 2020-2021 khi thị trường chứng khoán sôi động, hàng loạt app đầu tư chứng khoán đã ra đời để thu hút nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nhưng ít thời gian hoặc những người có số tiền nhỏ nhưng muốn đầu tư chứng khoán để kiếm lời.

Các app thu hút đầu tư “trở mình đứng dậy”

Thời điểm đó Finhay khá quen thuộc với nhiều người, bởi Finhay là ứng dụng đầu tư cá nhân với hơn 2,7 triệu người dùng, được thành lập năm 2017. Finhay đang cung cấp các sản phẩm liên quan đến quỹ đầu tư, chứng khoán, tích lũy sinh lời, mua bán vàng, ngân hàng, bảo hiểm, mua sắm online. Sức hấp dẫn của ứng dụng này chính là việc người dùng chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ đã có thể tham gia các sản phẩm của Finhay, như đầu tư cổ phiếu chỉ từ 10.000 đồng, góp vốn vào quỹ đầu tư từ 50.000 đồng với mức “tăng trưởng bền vững hằng năm” từ 6% – 49,5%.

Còn nay thì sao? Giai đoạn lãi suất đang về đáy, các ngân hàng liên tiếp hạ lãi suất huy động, thì các app thu hút đầu tư lại trở mình đứng dậy.

Tại trang mạng Tikop với lời giới thiệu: tích lũy dễ dàng, tài chính linh hoạt đã khiến nhiều người dân tò mò. Theo quảng cáo, chỉ cần thực hiện 3 thao tác đơn giản là tải miễn phí ứng dụng về điện thoại, và chọn các gói tích lũy với lợi nhuận mục tiêu từ 6% – 9%/năm. Thậm chí ứng dụng này còn tung ra gói sản phẩm đầu tư mạo hiểm với lãi suất 17%/năm, gấp gần 3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay. Theo thông tin app Tikop đăng tải, đây là ứng dụng Fintech, là giải pháp tích lũy với số tiền từ 50.000 đồng. Công ty không nói rõ sử dụng nguồn tiền mà mọi người tham gia gửi vào làm gì nhưng đối với phần thu nhập nhận được thì người gửi phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% cho khoản lợi tức được nhận.

Chị N.T.D (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, chị biết ứng dụng Tikop qua bạn bè, và được giới thiệu tham gia gửi tiền trên app Tikop có lãi suất cao hơn gửi ngân hàng. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn là 5,5%/năm, 2 tuần 6,5%, 1 tháng 7%, 3 tháng là 8%, 5 tháng 8,3%. “Tôi đang có một khoản tiền dư tầm 50 triệu đồng, nhưng tôi sẽ tìm hiểu app này có an toàn không rồi mới đưa ra quyết định” – chị D. nói.

Trong khi đó, trên thực tế Tikop là một trong những cái tên được Bộ Tài chính cảnh báo bên cạnh những app khác như Passion Invert, infina, Savenow, BUFF… Những app này được thành lập theo giấy phép Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh thành cấp, không phải là đơn vị do Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) thành lập và quản lý. Các doanh nghiệp (DN) này sử dụng công nghệ, các công cụ truyền thông để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Nhiều cảnh báo về app huy động tài chính được đưa ra.
Nhiều cảnh báo về app huy động tài chính được đưa ra.

Cẩn thận sập bẫy

Là người từng “ham” lãi suất cao qua mời gọi, chị Huyền Châu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, chị được bạn bè giới thiệu đầu tư vào công ty kinh doanh giáo dục có tên Egroup, lãi suất hàng tháng nhận được 30%.

Do có khoản tiền riêng mà lại được người quen giới thiệu nên chị đã vội vàng góp vốn vào đây. Trong 5 tháng đầu chị nhận được lãi suất đều đặn đúng như cam kết, nên chị vội gom thêm một ít “của để dành” nữa để đưa cho Egroup, tổng cộng hơn 120 triệu đồng. Vậy nhưng đến tháng thứ 7 tính từ kỳ nhận lãi đầu tiên Egroup đã không trả lãi vay cho chị Huyền Châu nữa với lý do công ty bị gián đoạn dòng tiền.

Được biết, hàng trăm chủ nợ của Egroup cùng tình cảnh như chị Huyền Châu đã đối thoại với ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT Egroup. Phía Egroup nói rằng sẽ tái cấu trúc xong và trả nợ vào 31/3 rồi 15/5 nhưng đến thời điểm hiện tại, hàng trăm chủ nợ của Egroup vẫn không nhận lại được bất kỳ khoản tiền nào. “Tôi khuyên mọi người đừng cả tin nghe lời quảng cáo lãi suất cao mà đổ tiền vào” – chị Châu chia sẻ.

Trước tình trạng nở rộ các ứng dụng đầu tư cũng như các loại hình gọi vốn đầu tư này, UBCKNN đã phải đưa ra cảnh báo tới người dân. Theo đó, nhiều DN đã thiết lập các website, app giao dịch sử dụng truyền thông báo chí quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán, nhưng không được phép.

Trước đó, ngày 5/10/2022, UBCKNN đưa ra khuyến cáo nêu rõ, trong thời gian gần đây, một số DN đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Theo đó, đơn vị này chỉ cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các công ty quản lý quỹ; cấp giấy chứng nhận thành lập quỹ cho các quỹ đầu tư chứng khoán do các công ty quản lý quỹ được cấp phép quản lý; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho các đại lý phân phối chứng chỉ quỹ. Các công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối được cấp phép thực hiện phân phối chứng chỉ quỹ theo hình thức trực tiếp hoặc trên môi trường mạng thông qua các trang thông tin điện tử, chương trình, ứng dụng công nghệ của công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối.

Để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư, trong đó bao gồm cả đầu tư qua phương thức điện tử (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh…). Nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu về các dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được UBCK Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.

Nhiều hoạt động huy động vốn có dấu hiệu kinh doanh đa cấp

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, theo quy định, hợp tác đầu tư dù lãi suất có cao đến 100% hay 200%, thì cũng không vi phạm quy định pháp luật, nhưng với điều kiện là các công ty này phải huy động vốn để đầu tư vào các dự án thực.

“Tuy nhiên, trên thực tế, khó có dự án hay hoạt động sản xuất – kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng như thế. Rất nhiều hoạt động huy động vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư lãi suất cao có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, chiếm đoạt tài sản. Nhà đầu tư phải cẩn thận với các lời mời chào hợp tác đầu tư với lãi suất “trên trời”, tìm hiểu kỹ về mô hình đầu tư có phải là hình thức đa cấp không, dự án đầu tư cụ thể là dự án nào, giấy tờ pháp lý có đầy đủ không” – luật sư Hùng cảnh báo.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhà đầu tư cần tỉnh táo vì lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Khi xuống tiền cần quan tâm đến uy tín của DN, của dự án… chứ không nên chỉ nhìn vào lãi suất.

Tăng cường giáo dục tài chính

TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, tài chính cá nhân là vấn đề rất quan trọng nhưng lại ít được quan tâm tại Việt Nam. Chính vì vậy mới nở rộ tín dụng đen, lừa đảo tài chính, xuất hiện các vấn đề tiêu cực liên quan đến công nghệ tài chính. Nhiều người không biết cách tiêu tiền, kiếm tiền, đầu tư tiền một cách bền vững. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý rất quan trọng và cần phải chú trọng vào khâu thực thi. Hiện nhiều mô hình kinh doanh mới đang phát triển nên cần bổ sung mô hình, cơ chế, phương thức quản lý, giám sát để thích ứng với các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ, tài chính số. Cần nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính – tiền tệ, bảo vệ người tiêu dùng tài chính, tăng cường giáo dục tài chính trước những rủi ro tội phạm tài chính gia tăng.

H.Hương – M.Sang

Nguồn: daidoanket.vn

Trên đây là tổng hợp Cảnh giác với các app tài chính. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19004686

Tin cùng chuyên mục