Ngăn chặn biến tướng cưỡng đoạt tài sản

Trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 89 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt xử 223 đối tượng. Đáng lưu ý là tình trạng các đối tượng phạm tội núp bóng doanh nghiệp, như: công ty tư vấn luật, công ty cho vay tài chính, mua bán nợ… bị cơ quan chức năng phanh phui trong thời gian gần đây về hành vi cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, hành hung người vay nợ.
Điển hình như Công ty Luật TNHH Pháp Việt (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) núp bóng việc hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, các công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý để thực hiện hành vi đòi nợ thuê với mức thù lao từ 25%-35% tổng số tiền thu được. Trung bình mỗi tháng, Công ty Luật TNHH Pháp Việt nhận đòi nợ thuê khoảng 200.000 trường hợp từ các ngân hàng, công ty tài chính. Nhân viên của các công ty luật này không phải chuyên viên luật, mà hoạt động chính là đòi nợ thuê.
Trong những ngày đầu tháng 3, cơ quan chức năng đã đồng loạt điều tra nhiều cửa hàng trong hệ thống của Công ty F88 tại nhiều địa phương vì có dấu hiệu “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, Công ty F88 có dấu hiệu cho vay nặng lãi bởi, ngoài việc trả lãi vay, khách hàng của F88 còn bị thu nhiều khoản phụ phí cao, trái với quy định như phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (từ 2-3%/tháng đến 5%/tháng), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…, khiến lãi suất “siêu khủng” cho các khoản vay.
Theo các chuyên gia an ninh, phương thức thủ đoạn của các đối tượng đòi nợ, đòi nợ thuê là dựng lên các doanh nghiệp, thuê hàng trăm nhân viên với nhiều bộ phận để vận hành hoạt động đòi nợ trong phạm vi toàn quốc. Các doanh nghiệp núp bóng này còn móc nối với các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi bằng các hợp đồng tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý, xử lý nợ, sau đó giao nhân viên đòi nợ, hưởng lợi từ 10-15% số tiền nợ.
Thế nên, các công ty đòi nợ thuê đều không từ một thủ đoạn nào dù vi phạm pháp luật để bắt “con nợ” trả tiền: từ gọi điện dọa dẫm người vay tiền, đến “khủng bố”, hành hung người vay tiền gây rối ren an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận việc vay mượn tiền đều có sự thỏa thuận từ trước, người vay tiền đã biết mức lãi suất cao nhưng vẫn cố tình vay, không cần biết hậu quả đến đâu. Nhiều người cũng chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình khi tham gia vay mượn tiền, nếu xâm phạm vào quyền lợi của người khác, vi phạm pháp luật thì sẽ phải trả giá cho những hành động đó. Điều 174 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ, căn cứ vào tính chất, mức độ và số tiền chiếm đoạt, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt tù cao nhất là tù chung thân.
Thực tế, số người thực sự cần tiền để sản xuất kinh doanh tìm đến các công ty tài chính rất hiếm, mà nhiều người vay tiền để chơi cờ bạc, lô đề, buôn bán qua tay, các khoản vay không để tạo ra của cải vật chất. Khi làm ăn thua lỗ, người vay nợ lại càng lún sâu vào nợ nần, từ đó chây ỳ, lờ đi, trốn tránh trách nhiệm trả nợ, càng làm cái cớ để các đối tượng chèn ép, phạt, tăng lãi suất.
Việc đấu tranh quyết liệt với hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê là lời “tuyên chiến” với các băng nhóm xã hội đen về tài chính, làm ăn bất chính. Thiết nghĩ, để triệt tiêu loại hình tội phạm này, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong nhận diện, phòng ngừa các biến tướng tín dụng đen, đòi nợ thuê để có biện pháp mạnh tay xử lý, răn đe tội phạm.
Chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng, đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân cảnh giác với cạm bẫy tín dụng đen, đồng thời có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân.
Thanh Thảo
Nguồn: bienphong.com.vn
Trên đây là tổng hợp Ngăn chặn biến tướng cưỡng đoạt tài sản. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Hotline : 19004686 để được hỗ trợ.